11:21, 15/04/2023
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943 là văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Cho đến nay, Đề cương Văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển.
Vận dụng sáng tạo, linh hoạt Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong các giai đoạn lịch sử cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn quyết tâm, phấn đấu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam thời đại mới và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đặc biệt là quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Đề cương về văn hóa Việt Nam không những chỉ ra xác đáng 3 nguyên tắc vận động văn hóa cơ bản đã được Đảng xác định là: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa mà còn xác định những nhiệm vụ cần kíp, cách thức, giải pháp để đạt được các mục tiêu đó. Đề cương đã nêu rõ, trong mỗi giai đoạn phát triển, văn hóa luôn đi cùng với dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay, văn hóa thể hiện rất rõ tinh thần tiên tiến đậm đà, bản sắc dân tộc.
Vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách, kế hoạch cũng như Đề án bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn và xem đây như một sức mạnh nội sinh để phát triển.
Những năm qua, việc giữ gìn, phát huy vốn văn hoá đặc sắc của các dân tộc hội tụ về cùng sinh sống trên mảnh đất này đã từng bước được xác lập, hài hòa cùng với văn hóa của dân tộc tại chỗ. Đặc biệt, việc bảo tồn, phát huy các giá trị phi vật thể, nhất là văn hóa cồng chiêng được tỉnh chú trọng theo từng giai đoạn đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, bản sắc.
Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cũng tạo nên nhiều thách thức, trăn trở trong công tác quản lý văn hóa ở địa phương về việc làm thế nào để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, cốt cách dân tộc mà không bị “hòa tan” hay “lai căng”.
Để những giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục được khai thác và phát huy một cách thiết thực, hiệu quả trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế pháp luật và chính sách hiện hành, tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, có cơ chế đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, quan tâm tạo môi trường mới cho các chủ thể quản lý, chủ thể truyền bá văn hóa dân tộc có thêm nhiều không gian sáng tạo, thực hành… bởi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng là tiếp tục phát huy tính sáng tạo của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đối với Đắk Lắk, nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ, cùng chung sống của 49/54 dân tộc đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu. Và đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ khai thác, lấy chất liệu, đề tài dân gian đưa vào tác phẩm của mình.
Bên cạnh đó, hoạt động văn học – nghệ thuật của Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều kiện cuộc sống, sáng tác cũng tác động không ít đến sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, đồng thời việc đầu tư nguồn lực cho sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học – nghệ thuật còn nhiều hạn chế…
Để các văn nghệ sĩ thực sự phát huy được hết tài năng, trí tuệ sáng tạo, luôn cần đến sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng, lành mạnh cho văn nghệ sĩ sáng tạo; chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ, động viên, cổ vũ kịp thời các nhân tố mới, những tác giả xuất sắc.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tập trung đầu tư, hỗ trợ hơn nữa cho văn học – nghệ thuật; tăng cường việc đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm cũng như năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.
Và hơn hết, bản thân mỗi văn nghệ sĩ – những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” phải tự tìm tòi, không ngừng sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước…
Văn hóa cốt lõi được soi chiếu bởi chủ trương của Đảng, cho nên việc giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng thông qua chương trình đào tạo trực tiếp đối với các ngành mỹ thuật, âm nhạc, múa, quản lý văn hóa… ở trường là vô cùng quan trọng. Nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và lan tỏa giá trị cốt lõi văn hóa của dân tộc mà Đảng, nhà nước đã định hướng để tạo ra con người xã hội chủ nghĩa mới, trong nhiệm vụ giảng dạy, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk chú trọng công tác nghiên cứu, tổng hợp các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật cách mạng có giá trị nghệ thuật cao để bổ sung vào giáo trình, chương trình đào tạo; tranh thủ cái hay, cái đẹp của các tác phẩm nghệ thuật đó giúp các em “thẩu thấm”.
Tuy nhiên, bản sắc dân tộc cũng đòi hỏi thế hệ trẻ phải có bản lĩnh, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Cho nên, việc bồi dưỡng thẩm mĩ và nhận thức đúng đắn về văn hóa cho sinh viên, đào tạo con người bảo đảm yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ và tư tưởng luôn được nhà trường chú trọng.
Tôi cho rằng, văn hóa là sự đầu tư lâu dài. Muốn có đội ngũ cán bộ văn học nghệ thuật chất lượng cao, đòi hỏi Nhà nước phải có sự đầu tư thông qua các quy định như: miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học các ngành về văn hóa nghệ thuật; hỗ trợ chi phi học tập đối với các ngành đào tạo chuyên về truyền thống dân tộc (biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa dân gian…) để khuyến khích các em tham học tập; đồng thời đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư không gian thực hành đạt tiêu chuẩn cho sinh viên ở các cở sở đào tạo; cần có cơ chế đặc cách về công tác cán bộ đối với một số ngành học đặc thù tạo điều kiện thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa tham gia giảng dạy và làm công tác quản lý…
Văn hóa, âm nhạc có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Ngành Giáo dục đang đi rất đúng hướng trong việc đưa văn hóa, âm nhạc Tây Nguyên vào giảng dạy bài bản, có lộ trình theo từng cấp học trong nhà trường. Cụ thể, các em được học về truyện cổ dân gian Tây Nguyên; lời nói vần của người Êđê, M’nông; giới thiệu về các loại nhạc cụ dân tộc của người Tây Nguyên; tiếng nói, chữ viết của người Êđê… Hằng năm, ngành Giáo dục tỉnh đều tổ chức tập huấn âm nhạc dân gian cho giáo viên, dạy giáo viên cách đánh chiêng, hát dân ca Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng tổ chức nhiều hội thi văn nghệ, hát dân ca tạo sân chơi bổ ích cho giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh được phát triển tài năng, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… Qua đó cho thấy, văn hóa Tây Nguyên có sức hấp dẫn đối với giáo viên và học sinh các cấp học.
|
Âm nhạc dân tộc, tiếng chiêng, tiếng hát đã ngấm vào máu thịt của tôi, đi cùng tôi trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến những năm sau giải phóng.
|
Tôi từng đi biểu diễn ở Phần Lan, Trung Quốc… để giới thiệu văn hóa của người Êđê với thế giới, cũng đã được tặng rất nhiều Bằng Khen của tỉnh và Trung ương nhưng càng lớn tuổi, tôi càng đau đáu nỗi lo vì dòng chảy nhộn nhịp của đô thị đã len lỏi vào từng ngõ ngách trong buôn làng. Ngoài những lễ hội do chính quyền địa phương tổ chức phục dựng, hay khi có đoàn khách du lịch đến tham quan thì trong buôn làng giờ chẳng còn rộn ràng tiếng chiêng, tiếng kèn đinh puốt, đinh năm như trước đây.
Hiện tại, trong buôn Akô Dhông số người biết đánh cồng chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi người biết chế tác, thẩm âm, chỉnh sửa nhạc cụ dân tộc lại càng hiếm. Để gìn gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, tôi đã tham gia nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ nhưng thanh niên bây giờ chỉ thích những nhạc xập xình, thích hát Karaoke chứ không còn mặn mà, đam mê với cồng chiêng nữa. Các cháu học để biết chứ chẳng ai chú tâm, tha thiết đến sống chết với âm nhạc của ông bà tổ tiên.
Nội dung: Lan Anh – Đỗ Lan – Như Quỳnh
Trình bày: Công Định
Ảnh: PV, CTV