Thông tin tại Diễn đàn “Hộ chiếu Logistics thế giới” tổ chức chiều 1/3 ở TP.HCM, ông Bader Abdulla Al Matrooshi, Đại sứ UAE tại Việt Nam cho hay, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Trung Đông, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 8 tỷ USD.
Theo Đại sứ UAE, với chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới (WLP) mà Việt Nam vừa tham gia, kim ngạch sẽ ngày càng tăng thông qua nâng cao lợi ích kinh tế, thương mại của các đối tác.
WLP (World Logistics Passport) là sáng kiến toàn cầu do TP. Dubai (UAE) dẫn dắt, được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại thế giới. WLP đã bổ sung Việt Nam vào danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (Hub).
Hiện, mạng lưới này có 29 Hub, chương trình WLP sẽ tùy chỉnh lợi ích cho các hội viên để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ loại bỏ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho nhà giao dịch.
Ông Abdulla Alsuwaidi, Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu của WLP đánh giá, với vị trí một trung tâm trung chuyển, sản xuất của khu vực, Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP.
Chia sẻ với VietNamNet về lợi ích khi tham gia WLP, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, ông Đỗ Xuân Quang, nêu ví dụ, như với vận chuyển hàng hóa đường không, khi gia nhập WLP, hãng có thể kết hợp cùng hãng Emirates SkyCargo, chuyển tải hàng hóa sang Hub Dubai rồi từ đây đi châu Âu, Mỹ – là các thị trường mà Vietjet chưa có đường bay tới.
Tại TP.HCM, ngoài Vietjet, các doanh nghiệp đã ký thỏa thuận đối tác triển khai WLP gồm: Cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT); Cảng Gemadept; Cảng Lotus; Sotrans Logistics…
Ngoài ra, còn có 22 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) đăng ký hội viên WLP.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn chung, những thị trường mới như Trung Đông có nhiều tiềm năng để Việt Nam khai thác, đẩy mạnh. Tham gia WLP, đồng nghĩa, thúc đẩy hơn nữa thương mại với đối tác UAE, qua đó, hướng tới các đối tác khác ở khu vực Vùng Vịnh.
Hai điểm nghẽn
Không thể phủ nhận lợi ích khi các doanh nghiệp tham gia mạng lưới WLP, dẫu vậy, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch VLA cho rằng, có hai điểm đáng lưu ý khi áp dụng chương trình vào thực tiễn tại Việt Nam.
Thứ nhất, giá nâng hạ container so với THC (Terminal Handling Charge – phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng) tại Việt Nam đang ở mức rất thấp so với thế giới, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đơn cử, hãng tàu thu phí từ chủ hàng khoảng 115-140 USD/container 40 feet. Sau đó, hãng tàu trả lại phí nâng hạ cho cảng biển khoảng 52 USD/container, tương đương khoảng gần 30% phí đã thu. Hiện, tỷ lệ này tại Singapore lên tới 80%; tại Campuchia là 60%.
Do đó, các Hub trên thế giới với mức giá nâng hạ cao, có thể giảm giá, hỗ trợ đối tác trong chương trình WLP. Trong khi đó, Hub tại Việt Nam có mức giá nâng hạ thấp, khó có thể giảm thêm. Chưa kể, Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT đã quy định mức sàn, trần về dịch vụ bốc dỡ container tại cảng Việt Nam. Nếu giảm giá xuống quá thấp sẽ “chạm” luật.
Thay vì hướng tới cắt, giảm chi phí nâng hạ, WLP tại Việt Nam cần giảm chi phí ở các khâu khác.
Thứ hai, thủ tục hải quan tại Việt Nam còn phức tạp khi xuất/nhập hàng, nhất là đối với cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngược lại, trong dòng chảy thương mại của WLP, hoạt động thông quan đóng vai trò rất qua trọng, cơ chế hàng chuyển cảng càng thuận lợi, càng tốt. Hiện, thống kê trung bình, thời gian thông quan hàng tại cảng Việt Nam đang ở mức 52 tiếng, cơ quan hải quan đặt mục tiêu giảm xuống còn 50 tiếng trong năm 2023. Dù chi phí hải quan không cao nhưng thủ tục còn phiền hà.
“Chương trình Hộ chiếu Logistics thế giới – WLP cần nghiên cứu các thực tế trên tại Việt Nam khi triển khai”, ông Trung nói.