Dấu hiệu ngộ độc formol
Bác sĩ Nguyễn Thu Hà – khoa Dinh dưỡng Tiết chế – Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM) cho biết formol thường được ứng dụng để sản xuất nhựa phenolic, nhựa melamine formaldehyde, keo ure-formaldehyde, chất khử trùng trong trại giống, ao nuôi, chất bảo quản nội tạng người, động vật dùng làm mẫu nghiên cứu…
“Formol là một chất có độc tính cao, khi cơ thể chúng ta tiếp xúc nhiều với formol sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe như viêm phổi, viêm dạ dày, hoại tử da… thậm chí có thể gây ung thư khi tiếp xúc thời gian dài”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Những dấu hiệu khi bị ngộ độc formol có thể quan sát thấy như chảy nước mắt, tăng tiết nước bọt, cổ họng khó chịu, ho khan, khó thở; tình trạng buồn nôn ngày càng tăng, khoang bụng bị đau co cứng, nôn, kèm nôn ra máu, đau miệng, tiểu ra máu; khả năng phối hợp vận động bị suy giảm, chân tay run, dáng đi không vững; huyết áp giảm, nhịp tim nhanh, mất ý thức, thậm chí bị hôn mê.
Một số lưu ý khi lựa chọn thực phẩm
Bác sĩ Hà cho biết rất khó để nhận biết thực phẩm có chứa formol bằng mắt thường. Vì vậy, khi mua thực phẩm chúng ta nên chọn những thực phẩm tươi, sờ ấn vào còn mềm mại và không bị khô cứng. Có một số điểm cần chú ý như sau:
Đối với cá: Khi ấn nhẹ vào cá, thấy mềm mại, có độ đàn hồi cao, thịt cá chắc, dính chặt với xương thì có khả năng cá không chứa formol. Nên chọn những con cá có mình ít nhớt, có mùi tanh đặc trưng, mang màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mắt cá sáng, trong và hơi lồi. Cá được bảo quản ở nhiệt độ lạnh bằng đá hoặc tủ mát.
Không chọn loại cá có biểu hiện mang cá không còn màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, thịt nhũn, lỏng lẻo, không dính chặt với xương, cá không còn nguyên vẹn phần bụng cá, dễ tróc vảy và có mùi tanh khác thường.
Đối với tôm, mực, bạch tuộc: Nên chọn những con còn tươi được bảo quản bằng đá lạnh, ít nhớt, nguyên con, đầu dính chặt với thân; sờ vào có cảm giác căng tự nhiên, độ đàn hồi cao; ngửi có mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ (như mùi khai, mùi hắc, mùi hôi…). Đối với mực, bạch tuộc mắt còn trong, lồi nhẹ. Không mua loại hải sản nhìn bề ngoài tươi nhưng khi sờ vào thì mềm, nhão, độ đàn hồi kém. Khi chế biến thịt nhão, không có độ ngọt, thơm đặc trưng.
Với bún, bánh phở: Nếu bún, bánh phở không chứa formol thì khi chạm vào sợi bún, bánh phở sẽ hơi nát, dễ đứt gãy và có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Còn khi chứa formol thì sợi bánh dai giòn hơn, khó đứt gãy, chạm vào không có cảm giác nhuyễn dính, không có mùi chua dịu của gạo ngâm…
“Ngoài ra, nên rửa thực phẩm kỹ dưới vòi nước chảy vì formol tan trong nước nên giúp hạn chế phần nào. Nên lưu ý formol còn hình thành khi nướng, xông khói thực phẩm… vì thế hạn chế tiêu thụ những thực phẩm nướng, xông khói bán sẵn”, bác sĩ Hà lưu ý.
Phát hiện 3,2 tấn cá khoai chứa formol
Như Thanh Niên Online đã đưa tin, ngày 17.10, thông tin từ Cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết, khoảng 1 giờ cùng ngày, lực lượng của Đội quản lý thị trường số 10 (thuộc Cục quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện xe ô tô tải kéo rơ moóc chở số lượng lớn cá khoai không rõ nguồn gốc.
Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều thùng xốp đựng cá khoai, tổng số lượng khoảng 3,2 tấn.
Lực lượng chức năng test nhanh, phát hiện trong các thùng xốp chứa cá khoai có chất formol. Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được các giấy tờ xuất xứ của sản phẩm.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản sự việc, tạm giữ toàn bộ 3,2 tấn cá khoai để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.