Sống trong một cộng đồng lành mạnh, tìm được mục tiêu thức dậy mỗi ngày và có tài chính ổn định là những yếu tố giúp người dân Vùng Xanh thế giới sống hạnh phúc.
Vùng Xanh là 5 khu vực trên thế giới có dân số sống lâu và khỏe mạnh nhất, gồm Okinawa (Nhật Bản), Sardinia (Italy), Nicoya (Costa Rica), Ikaria (Hy Lạp) và Loma Linda (Mỹ). Chuyên gia tuổi thọ, nhà thám hiểm National Geographic Dan Buettner đã dành nhiều năm nghiên cứu về lối sống của người dân ở những khu vực này, tìm ra nguyên nhân họ có tuổi thọ lên tới 100.
Theo đó, tại Ikaria, cứ ba cư dân thì có một người sống đến độ tuổi 90. Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ cũng như một số bệnh mãn tính khác là rất thấp. Theo các chuyên gia, người Ikarian thường sống trong những cộng đồng dân cư lành mạnh, hiền hòa. Họ tích hợp tập thể dục vào các hoạt động hàng ngày. Thông qua việc làm vườn, đi bộ sang nhà hàng xóm hoặc thăm bạn bè, giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai, giảm stress, để phòng chống bệnh tật. Chia sẻ với Guardian, một cụ ông trăm tuổi cho biết ông đi bộ 1,6 km hàng ngày đến quán cà phê yêu thích rồi lại đi bộ về.
Người Ikarian dành nhiều thời gian bên nhau và có tư duy tập thể. Tiến sĩ Ilias Leriadis, một trong số ít bác sĩ của hòn đảo, cho biết: “Đây không phải nhà của tôi, mà là nhà của chúng tôi”. Ông thêm rằng người dân thường xuyên tổ chức những ngày lễ tôn giáo và văn hóa. Các gia đình gom tiền mua thực phẩm và rượu vang, nếu còn dư thì tặng cho người nào cần.
Tiến sĩ Buettner cũng khuyên mọi người nên tìm kiếm giá trị của bản thân, mục đích thức dậy vào buổi sáng mỗi ngày. Đây là tinh thần Ikigai của người Nhật Bản, một trong những quốc gia nổi tiếng với tuổi thọ cao. Trong tiếng Nhật, ikiru nghĩa là “sống” và gai nghĩa là “lý do”. Nói cách khác, ikigai tức là “lý do để bạn tiếp tục sống” hoặc “lý do để bạn thức dậy vào mỗi sáng”.
Ikigai là tổng hòa của 4 yếu tố: điều một người yêu thích, điều họ làm giỏi, điều giúp họ kiếm ra tiền và điều xã hội cần.
Trong các nghiên cứu về tuổi thọ, các chuyên gia nhận định việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống cũng quan trọng ngang với các yếu tố như gene di truyền, chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.
Nghiên cứu năm 2008 từ Đại học Tohoku đã phân tích dữ liệu của hơn 50.000 người (40 đến 79 tuổi) và phát hiện rằng ở những người sống theo triết lý ikigai, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong thấp hơn. 95% trong đó còn sống sau 7 năm kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu.
Tiến sĩ Buettner cho biết tài chính ổn định cũng là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ.
Nghiên cứu đăng tải trên PLOS ngày 27/9 cho thấy những người có điều kiện kinh tế xã hội kém thường có tuổi thọ thấp hơn. Nguyên nhân là họ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe ít, chịu nhiều ảnh hưởng tâm lý của việc bất bình đẳng về kinh tế.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người có kế hoạch tài chính tương lai bền vững, nguy cơ tử vong thấp hơn. Kết quả này vẫn đúng ngay cả sau khi loại trừ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng như lối sống, chế độ ăn.
Theo các chuyên gia, nợ nần và các bất ổn về tiền bạc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, gây ra tình trạng căng thẳng mạn tính. Các vấn đề tài chính cũng dẫn đến triệu chứng thể chất, chẳng hạn đau nửa đầu, suy yếu miễn dịch, huyết áp cao, các vấn đề tiêu hóa, căng cơ, rối loạn nhịp tim và khó ngủ.
Thục Linh (Theo NY Post)