Mới đây, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp phía Bắc Việt Nam”, sự kiện nhằm mục đích cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, trao đổi về thực trạng và các giải pháp nhằm giúp cho người lao động, đặc biệt lao động nhập cư có nhiều cơ hội tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời gian sớm nhất với chi phí thấp nhất.
Quang cảnh tại Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các lãnh đạo và giảng viên Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cùng các diễn giả là các giảng viên, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực y tế, an sinh và công đoàn tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN cho biết: “Đây là buổi thảo luận với các góc nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan, từ đó, chúng ta có thể đưa ra được những tư vấn chính sách hiệu quả, kịp thời giúp ích cho Chính phủ, lãnh đạo các địa phương có khu công nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, phát triển hệ thống y tế cơ sở tại các khu công nghiệp, đảm bảo chăm sóc toàn diện cho người lao động tại các khu công nghiệp.”
PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo.
Chương trình diễn ra với 4 bài tham luận và phiên thảo luận bàn tròn đan xen giữa chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam. Các nội dung tham luận và thảo luận có hàm lượng chuyên môn cao, 4 bài tham luận tập trung vào các chủ đề: Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế của người lao động tại các Khu công nghiệp phía Bắc; Chăm sóc y tế người lao động tại khu công nghiệp trên thế giới và Việt Nam; Một số vấn đề về tiếp cận y tế của công nhân khu công nghiệp; Thực trạng tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế của công nhân khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua các bài tham luận, các diễn giả đã trình bày và phân tích các vấn đề về hệ thống pháp luật y tế hiện tại và những yếu tố ảnh hưởng tới người lao động tại các khu công nghiệp qua đó đề xuất các giải pháp cho hệ thống pháp luật về y tế của nước ta. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các hoạt động y tế như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, Luật Dược năm 2005, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014… cùng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trên. Tuy nhiên, đối với khu công nghiệp các quy định về quản lý y tế vẫn chưa được tập trung mà rải rác ở một số văn bản pháp luật. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có khoảng 75,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3% (số liệu Tổng cục thống kê 2023). Thực trạng này khiến đời sống người lao động nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng đã khó khăn lại trở nên khó khăn hơn khi nhiều doanh nghiệp không thể trả lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Tính đến đầu tháng 3/2023, tổng số lao động bị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên đã lên tới 2,79 triệu lao động với số tiền nợ là trên 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,4% trên tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, các mô hình chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các khu công nghiệp cũng như các quy định về hưởng BHYT còn nhiều vướng mắc; các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo đăng ký của thẻ BHYT hầu hết chưa đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, trình độ y, bác sỹ; thời gian khám chữa bệnh chưa phù hợp với thời gian làm việc của người lao động… do đó, người lao động thường khám chữa bệnh vượt tuyến hoặc lựa chọn khám tư nhân làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của họ.
Các diễn giả tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các khu công nghiệp phía bắc Việt Nam” nằm trong Chuỗi UEB Research and Sharing do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Sự tham dự của các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp điều này cho thấy hội thảo là một diễn đàn chuyên sâu có sự tham gia của các bên liên quan, đóng góp cái nhìn đa chiều về thực trạng cũng như gợi ý các chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động tại các Khu công nghiệp.
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Kinh tế là một đơn vị thành viên của ĐHQGHN. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Trường không ngừng nâng cao chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và các dịch vụ khác nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Trường đã và đang khẳng định được vị trí trong nước cũng như trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu. Trường đã được ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu đóng góp chính vào kết quả xếp hạng ĐHQGHN đứng top 501-550 thế giới ở lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu Quản lý do Bảng xếp hạng QS danh tiếng công bố vào năm 2023, cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xếp hạng. Đặc biệt, Trường Đại học Kinh tế cũng là đơn vị đóng góp giá trị vào kết quả của ĐHQGHN khi là đại học công lập đầu tiên của Việt Nam được Time Higher Education xếp hạng 501-600 ở lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế trong kỳ đánh giá 2023. |
UEB