Bình Định, miền đất được mệnh danh nơi “Trời văn đất võ”, xứ Nẫu trong cách gọi dân gian hay là miền địa linh nhân kiệt theo cách hiểu của người yêu sử, nơi đó chất chứa biết bao trầm tích văn hóa, cũng là chỗ để người hoài cổ tìm về. Một vùng đất dựa vào dải Trường Sơn, hướng ra biển Đông, ở đó những di tích như đang thì thầm kể lại chuyện xưa tích cũ.
Trước thế kỷ 14, đây vốn là miền đất thuộc vương quốc Cham Pa, đất nước đã có lịch sử khởi nguồn từ thế kỷ thứ 2, xét về niên đại thì tương đương với nền văn minh Đông Sơn.
Cư dân ở đây rất giỏi đi biển, thích ca múa và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, từ đó mới hình thành nên những kinh đô rực rỡ ánh vàng son như Panduranga, Kauthara, Indrapura và Vijaya… (nay thuộc làng Trà Kiệu (Duy Xuyên – Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa) và Bình Định). Những biến động chính trị và quân sự có ảnh hưởng lớn tới sự phồn thịnh hay suy tàn của vùng đất đầy nắng, gió này để giờ đây trước mắt chúng ta là một nơi chất chứa những di tích trầm hùng.
Mỗi mảng tường, ngọn tháp, mảng chạm khắc đều mang dấu ấn đậm nét của sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng. Thêm vào đó, Bình Định còn là cái nôi phát tích của phong trào Tây Sơn, một triều đại chợt lóe lên trong chiều dài lịch sử như ngọn đuốc huy hoàng, một thời kỳ có thể khiến cho người dân đất Việt thấy tự hào khi đất nước được thống nhất, nền tự chủ độc lập được đề cao sau hơn trăm năm chia cắt.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ở Bình Định vẫn còn lưu lại không ít các công trình kiến trúc và di chỉ gợi nhớ về những thuở hào hùng xưa. Tới đây để đón ngọn gió mát lành thổi vào từ biển Đông, du khách chẳng thể nào bỏ qua việc ghé thăm các ngọn tháp Bánh Ít, tháp Đôi và tháp Dương Long, những công trình kiến trúc đậm màu tôn giáo của vương quốc cổ Cham Pa.
Cho dù vật đổi sao dời, những ngọn tháp trơ màu tuế nguyệt ấy vẫn là minh chứng rõ nét của kỹ nghệ bí ẩn của người xưa để tạo dựng nên công trình kiến trúc đặc trưng cho văn hóa Cham Pa. Rất khác với những tòa tháp ở thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích Đồng Dương (Indrapura), kinh thành Sư Tử (Simhapura) chủ yếu bằng gạch, tháp cổ tại Bình Định được kiến tạo phối hợp giữa đá và gạch.
Điều này khiến người ta liên tưởng tới quần thể kiến trúc Angkor Wat ở Campuchia và những đền thờ rải rác khắp Ấn Độ ngày nay. Kĩ nghệ nào của người xưa có thể vận chuyển đá tảng từ nơi xa tới, chạm trổ, xếp tầng, không dùng chất kết dính mà bền vững hàng thế kỷ, điều này hậu thế vẫn chưa có đáp án chính xác.
Đẹp và kì vĩ nhất là cụm tháp Dương Long, công trình 3 ngọn tháp thẳng hàng cao nhất Việt Nam, có vẻ tráng lệ, huy hoàng khó tin, đặc biệt gợi sự chú ý ở những mảng họa tiết đá nằm trên đỉnh của thân tháp xây bằng gạch. Họa tiết chạm đá quen thuộc ở đây là hoa dây, hình lửa, bánh xe luân hồi… những dấu ấn của Ấn Độ giáo vốn rải khắp một vùng Nam Á và lan tỏa tới tận bờ biển Thái Bình Dương.