Cách đây 5 tháng, anh Đ.T.T (34 tuổi) đạp xe tập thể dục thì bị xe máy tông, té dập mông xuống đường, vào viện với tình trạng liệt hoàn toàn hai chân, chỉ nhúc nhích được nhẹ ở phần đùi kèm bí tiểu, mất luôn khả năng sinh lý đàn ông.
Thoát cảnh xe lăn, vỡ òa hạnh phúc
Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, anh T. được chẩn đoán gãy nhiều mảnh đốt sống L1, tổn thương tủy, liệt gần hoàn toàn hai chân, bí tiểu. Bệnh nhân được lên kế hoạch mổ kết hợp xương cố định từ phía sau, bảo tồn và tạo hình lại thân đốt gãy, giải quyết triệt để chèn ép từ mảnh xương gãy vào tủy sống.
Ca phẫu thuật được tiến hành trong vòng 1 giờ 30 phút, mất máu ít, chỉ khoảng 150 ml. Sau phẫu thuật, ngay ngày đầu tiên anh T. đã có dấu hiệu phục hồi, gấp được đùi vào bụng, đưa chân lên khỏi mặt giường, có cảm giác mắc tiểu.
Sau 3 ngày, bệnh nhân có thể ngồi dậy được, chân có cảm giác mạnh hơn, hết tê hai chân. Đến ngày thứ 7, bệnh nhân có thể tự tiểu. Sau 5 tháng cố gắng duy trì tập vật lý trị liệu, anh T. đã có thể tự đi lại, hoàn toàn kiểm soát được việc tiểu tiện và phục hồi lại khả năng sinh lý.
Tập vật lý trị liệu phục phồi chức năng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM
“Sau tai nạn, tôi luôn lo lắng mình sẽ bị liệt hai chân mãi mãi nhưng hiện tại tôi đã tự đi lại được. Tôi thật sự rất vui và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống” – anh T. chia sẻ.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, thống kê 5 năm trở lại đây có hơn 76% bệnh nhân tổn thương tủy sống. TS-BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết từ năm 2018 đến nay, bệnh viện điều trị 5.926 bệnh nhân tổn thương tủy sống. Trong đó, 76,25% bệnh nhân tổn thương tủy sống là do tai nạn (hơn 76% là nam giới), 23,75% do bệnh lý.
Hàng loạt tai nạn có thể dẫn đến tổn thương tủy sống bao gồm: Tai nạn giao thông (38,2%); tai nạn lao động – té ngã (32,3%); tai nạn thể thao (7,8%); vết thương cột sống do hỏa khí, dao đâm (14,3%). Có nhiều bệnh lý dẫn đến tổn thương tủy sống: u tủy, áp xe… Đáng chú ý, tai biến phẫu thuật cũng khiến bệnh nhân tổn thương tủy sống với tỉ lệ 4,1%.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Hoàng Dũng, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, tổn thương tủy sống là tình trạng y khoa rất nặng nề, có thể để lại đến 10 biến chứng trên hầu hết cơ quan trong cơ thể (hô hấp, thần kinh, cơ, xương, tiết niệu, tiêu hóa, tuần hoàn…). Trên thực tế, người bị tổn thương tủy sống nếu không được điều trị kịp thời và đầy đủ, thường phải gắn cuộc đời với đôi nạng gỗ hoặc xe lăn, thậm chí phải nằm liệt giường.
Kỹ thuật mới song hành vật lý trị liệu
Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thanh Long, Khoa Cột sống B Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết gãy cột sống thắt lưng có tổn thương tủy, liệt và bí tiểu là trường hợp rất nặng, tiên lượng phục hồi kém, để lại di chứng rất nặng nề. Nếu không phẫu thuật, cơ hội phục hồi của bệnh nhân gần như bằng 0, thậm chí không thể ngồi dậy được. Ngay cả khi được phẫu thuật mà không giải ép được triệt để việc chèn ép hoặc thời gian phẫu thuật quá muộn thì khả năng phục hồi sẽ rất kém, bệnh nhân chỉ có thể ngồi xe lăn suốt đời.
Theo TS-BS Nguyễn Trọng Tín, Trưởng Khoa Cột sống B Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, trước đây để phẫu thuật một ca gãy cột sống thường sử dụng phương pháp phức tạp, thời gian phẫu thuật khéo dài, mất nhiều máu, nhiều nguy cơ và biến chứng nên cần phẫu thuật viên giỏi, nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, khâu chuẩn bị ca mổ kéo dài, ảnh hưởng đến sự phục hồi tủy sống của bệnh nhân.
Hiện nay, với phương pháp kết hợp xương cố định phía sau với cấu hình ngắn, đơn giản nhưng vẫn bảo đảm đủ vững, giải ép triệt để chèn ép, bảo tồn và tái tạo được thân đốt sống bị gãy, rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu mất, nguy cơ và biến chứng thấp, tăng khả năng hồi phục.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật trong vòng 24 hoặc 48 giờ sau chấn thương, thậm chí sẽ tiến hành mổ cấp cứu các trường hợp này để tăng khả năng hồi phục đến mức tối đa” – bác sĩ Tín thông tin.
Theo các chuyên gia, điều trị tổn thương tủy sống chỉ được tính là thành công khi trả lại cho bệnh nhân tình trạng ban đầu. Điều này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của bệnh nhân trong tiến trình tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Do đó, cần có sự hướng dẫn khoa học từ các bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, sự chăm sóc đậm chuyên môn từ điều dưỡng, sự hỗ trợ đầy đủ trang thiết bị tập luyện, có cả robot. Robot ngày nay không chỉ giúp bác sĩ phẫu thuật ca khó, phẫu thuật từ xa mà còn giúp bệnh nhân gia tăng hiệu quả tập luyện phục hồi chức năng. Một số kỹ thuật mới được thế giới và Việt Nam áp dụng trong điều trị để giúp bệnh nhân phục hồi như: hệ thống tổ hợp robot cánh tay, bàn tay; công nghệ robot phục hồi chức năng chi dưới cho bệnh nhân đột quỵ – tổn thương tủy sống – bại não; hệ thống vận động thụ động, chủ động đa khớp…
“Vai trò của vật lý trị liệu rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bệnh nhân cần cố gắng duy trì việc tập vật lý trị liệu ít nhất 6 tháng, khả năng phục hồi sẽ tăng lên theo mức độ tập luyện” – bác sĩ Ngô Thanh Long nhấn mạnh.
Sơ cứu đúng cách các trường hợp bị té ngã dẫn đến chấn thương cột sống sẽ tránh gây tổn thương nặng hơn cho nạn nhân.
Theo đó, cần tránh bưng xốc bệnh nhân mà lăn bệnh nhân như một khúc gỗ lên một mặt phẳng cứng (ván, băng ca…), cố định toàn thân vào mặt phẳng đó trước khi di chuyển.
Nhân rộng ra khu vực
Theo TS-BS Phan Minh Hoàng, cách đây 20 năm, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp hợp tác với Tổ chức Handicap International phát triển chuyên môn về điều trị tổn thương về tủy sống và hiện là đơn vị duy nhất có khoa điều trị chuyên sâu về phục hồi chức năng sau tổn thương tủy sống.
Mới đây, bệnh viện đảm nhận thêm một chức năng mới là nhân rộng mô hình này ra khu vực. Trước mắt là hỗ trợ chỉ đạo tuyến các cơ sở y tế thuộc khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ trong lĩnh vực phục hồi chức năng, góp phần giúp người bệnh thoát cảnh tàn phế.