Ngày 17.10, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM), cho biết có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc sữa.
Thứ nhất là sữa bị nhiễm khuẩn. Khi bao bì, hộp đóng gói bị rách thủng, hở, rò rỉ hoặc sữa để quá hạn sử dụng, sữa cất giữ trong môi trường không thích hợp có thể nhiễm khuẩn tụ cầu, salmonella, E.coli, nhiễm nấm… gây ngộ độc.
Thứ hai là nhóm sữa có độc chất, chưa được kiểm định về độ an toàn, nguồn gốc không rõ ràng. Sữa được pha chế với công thức hàm lượng các thành phần quá cao, nguyên liệu để lâu có thể gây biến chất, ngộ độc.
Người bị ngộ độc sữa cũng sẽ có một số triệu chứng đặc trưng như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy… Nặng hơn thì người bị ngộ độc có thể rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp cấp.
“Ngay khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc, cần đưa trẻ, người bệnh nhanh chóng đến cơ sở y tế. Trong thời gian đó, nên bổ sung nước, oresol để bù nước, bù khoáng cho bệnh nhân do nôn ói, tiêu chảy”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc sữa, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh nên lựa chọn sữa có nguồn gốc tin cậy, được kiểm định chất lượng, có hạn sử dụng xa, có đóng dấu mộc an toàn. Ngoài ra, tùy vào mức độ tiêu thụ sữa của trẻ, có thể lựa chọn hộp nhỏ 450g để sử dụng trong khoảng 1-2 tuần. Với trẻ lớn hơn, uống lượng nhiều nếu dùng sữa 900g thì nên dùng trong khoảng 2-4 tuần hoặc theo khuyến cáo trên bao bì. Không nên dùng lâu hơn 4 tuần sau khi mở nắp hộp.
“Một số dấu hiệu nhận biết sữa nhiễm khuẩn phụ huynh cần chú ý là vón cục, không còn độ mịn, đổi màu…”, bác sĩ chia sẻ.
Theo khuyến cáo của Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khi mua các loại sữa và các chế phẩm từ sữa được đóng hộp, đóng gói…, chúng ta cần chú ý đến thời gian sản xuất hay hạn sử dụng. Ngoài ra, cũng cần xem kỹ để đảm bảo sản phẩm có bao bì còn nguyên vẹn, không bị móp méo, không phồng, gỉ, hoặc có vết lõm.
Chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng đáp ứng điều kiện đảm bảo an toàn như: Sản phẩm được đặt ở nơi thoáng mát, không bày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau hay nhiều thùng sản phẩm khác chồng lên thùng sữa; đối với sản phẩm sữa chua thì phải bảo đảm điều kiện bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Tìm nguyên nhân vụ nghi ngộ độc sữa tại Tiền Giang
Liên quan đến vụ ngộ độc và tử vong nghi do ngộ độc sữa, như Thanh Niên Online đưa tin trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương chỉ đạo tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ gây ngộ độc.
Trước đó, ngày 15.10, có hai trường hợp tử vong và một người ngộ độc nhập viện cấp cứu nghi ngờ do uống sữa tại xã Hòa Hưng, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung tích cực điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của sở y tế phối hợp với cơ quan quản lý sản phẩm này ở địa phương để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).