Xúc tiến Thương mại giữa Nghệ An với thị trường Ấn Độ Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Ấn Độ tăng trưởng 3 con số |
Thưa ông, cuối tháng 9/2023, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức đoàn doanh nghiệp cà phê Việt Nam tham dự Hội nghị và Triển lãm cà phê Thế giới (WCC) tổ chức tại thành phố Bengaluru, bang Karnataka, Ấn Độ. Xin ông chia sẻ đôi nét về sự kiện này cũng như hiệu quả mà sự kiện thu được trong việc xúc tiến xuất khẩu cà phê vào Ấn Độ – một trong những thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam?
Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ |
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường đông dân nhất thế giới. trong bối cảnh xuất khẩu toàn cầu đang chậm lại, xuất khẩu của Ấn Độ thời gian qua cũng có sự sụt giảm. Tuy nhiên thương mại Việt Nam – Ấn Độ vẫn giữ ổn định so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã thực hiện rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại thời gian qua và một trong những sự kiện quan trọng là xúc tiến thương mại cho mặt hàng cà phê tại Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị cà phê quốc tế. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Cà phê, Việt Nam đã tổ chức đoàn doanh nghiệp cà phê với rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham dự chương trình này như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty CP Cà phê Olympic…
Trong khuôn khổ chương trình, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức rất nhiều chương trình quảng bá cà phê Việt Nam như uống thử, giới thiệu các sản phẩm cà phê độc đáo và quảng bá cà phê việt Nam. Kết quả, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ký bản ghi nhớ với đối tác Ấn Độ để phát triển thương hiệu cà phê L’amant của doanh nghiệp sang thị trường này.
Cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ấn Độ song kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch cà phê so với tổng lượng xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ấn Độ khoảng 60 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Người dân Ấn Độ rất ưa chuộng cà phê hoà tan của Việt Nam. Bên cạnh L’amant thì những thương hiệu Trung Nguyên, G7 cũng đã phát triển rất tốt tại Ấn Độ. Chính phủ hai nước vẫn đang đàm phán để có thể giảm thuế nhập khẩu, khi đó lượng cà phê việt Nam sẽ thể hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Cùng với sự kiện lớn kể trên, được biết từ đầu năm đến nay, Thương vụ đã hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhiều các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về những hoạt động này?
Ngày 28/4/2020, hầu hết các nước chưa ảnh hưởng mạnh do Covid-19 song thời điểm đó, Ấn Độ đã rơi vào tình trạng phong toả toàn quốc và rất nhiều kế hoạch đã bị trì hoãn. Thời điểm đó, chúng tôi đã tìm các giải pháp và đã trao đổi với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Phòng Xúc tiến thương mại Ấ Độ lần đầu tiên tổ chức giao thương xúc tiến thương mại trực tuyến.
Sau sự kiện đó, suốt trong các năm 2020 và 2021, xúc tiến thương mại trực tuyến đã trở thành xu hướng và chúng tôi rất tự hào là một trong những Thương vụ đầu tiên đưa hình thức xúc tiến thương mại này trở nên phổ biến.
Đối với các hoạt động khác, năm 2022, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ thì chúng tôi đã tổ chức 50 chương trình cả trực tiếp và trực tuyến, trong đó có cả những chương trình tổng thể về thị trường và những chương trình chi tiết về các ngành hàng, mặt hàng hay những chương trình giới thiệu về các quy định pháp luật, tiêu chuẩn chất lượng thị trường, các chương trình giao lưu trực tuyến… cho doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, theo chỉ đạo Bộ Công Thương, chúng tôi đã hỗ trợ nhiều đoàn như đoàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự hội nghị Bộ trưởng G20 để xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng như thủ công mỹ nghệ, gia vị, nông sản thực phẩm, đồ gỗ… tìm hiểu thông tin về thị trường. Riêng năm nay, xuất khẩu đồ gỗ sang Ấn Độ gia tăng đáng kể. Trong bối cảnh các thị trường khó khăn thì Ấn Độ hoàn toàn có thể trở thành 1 trong những thị trường thay thế.
Quế là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Ấn Độ (Ảnh: Vinasamex) |
Riêng với mặt hàng quế, hiện tại xuất khẩu quế của Việt Nam sang Ấn độ chiếm khoảng 80% nhu cầu nhập khẩu quế của thị trường. Theo số liệu của Ấn Độ, trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ nhập khẩu 38.000 tấn thì từ Việt Nam là 35.000 tấn.
Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng song việc xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Vì trong bối cảnh xuất khẩu của Ấn Độ cũng gặp khó khăn thì họ cũng sẽ tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. Nhưng khi ta biết rằng đã có một mặt hàng chiếm lợi thế thị trường như quế thì doanh nghiệp cần chủ động, không nên phụ thuộc quá vào thương nhân Ấn Độ.
Tháng 11 tới, Ấn Độ sẽ có một hội chợ lớn về mặt hàng thực phẩm. Đây là hoạt động quan trọng của Ấn Độ trong việc xúc tiến thương mại, giao thương với các nước trên thế giới, Dự kiến có 70 quốc gia sang thị trường này. Ấn Độ dự kiến tổ chức gian hàng để quảng bá cho sản phẩm Việt Nam. Nếu doanh nghiệp không thể sang Ấn Độ thì có thể gửi hàng mẫu cho chúng tôi để chúng tôi hỗ trợ quảng bá. Còn nếu doanh nghiệp có thể snag trực tiếp thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để tìm hiểu không chỉ thị trường Ấn Độ mà rất nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia khác cùng tham gia hội chợ.
Là một người đã có nhiều năm làm việc tại Ấn Độ, ông có thể thông tin chi tiết hơn về những tiềm năng của thị trường này đối với các mặt hàng nông sản, gia vị của Việt Nam?
Ấn Độ hiện có dân số 1,4 tỷ người. Với dải khách hàng rộng lớn, 1,4 tỷ dân số được chia thành 4 -5 nhóm với nhu cầu đa dạng.
Với gia vị, Ấn Độ là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới và xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Nhiều sản phẩm họ nhập từ chúng ta rồi làm ra các sản phẩm cao cấp hơn để xuất khẩu đi. Ví dụ với mặt hàng hương nhang, tiêu thụ của họ rất lớn và họ chỉ nhập duy nhất mặt hàng hương nhang thô của Việt Nam, giá trị rất thấp. Sau đó về làm 1 công đoạn cuối cùng là ướp hương liệu, giá trị tăng 3-4 lần. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không thể hoàn thành nốt khâu đó nhằm tăng giá trị cho sản phẩm?
Với gia vị, các cơ quan nhà nước có sự hỗ trợ rất lớn. Ban Gia vị trực thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ có trách nhiệm hoạch định chính sách phát triển, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu để tránh bị chồng chéo. Ấn Độ có cơ quan xúc tiến phát triển xuất khẩu mặt hàng nông sản để hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng, hỗ trợ người mua Ấn Độ đến giao lưu với nhà sản xuất.
Tuy nhiên, quế hay gia vị là mặt hàng gần như độc quyền của Việt Nam tại Ấn Độ. Do đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm hiểu kỹ về thị trường để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đoàn kết, còn nếu cứ cạnh tranh về giá thì không biết phải cạnh tranh đến bao giờ.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ sẽ có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, thưa ông?
Chúng tôi xác định Ấn Độ là thị trường rất tiềm năng và phải tìm cách cùng nhau vượt qua khó khăn để thâm nhập sâu hơn thị trường này. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh chất lượng, doanh nghiệp phải có câu chuyên được kể đằng sau sản phẩm. Do đó, công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào các giải pháp.
Thứ nhất, là tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại bằng cách kết hợp đa dạng các hình thức.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng thông tin về thị trường. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ có những bang lớn, nhưng thông tin cụ thể các bang rất hạn chế. Thương vụ trước đây định hướng cứ thứ 4 hàng tuần sẽ phổ biến cho doanh nghiệp biết các tỉnh, bang có những thông tin gì, cần điều gì. Có những buổi thu hút đến 200 doanh nghiệp tham dự nhưng số lượng đang giảm dần. Chúng tôi cho rằng cần sự tương tác lớn hơn và cần sự đầu tư tìm hiểu sâu hơn của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể có cơ hội lớn hơn ở thị trường này.
Thứ ba, chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang Ấn Độ, tạo hệ sinh thái tại thị trường Ấn Độ. Bên cạnh là một thị trường rộng hơn, hiện thương mại điện tử của Ấn Độ đang chậm hơn Việt Nam khoảng 10 năm. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ bị xoá rất nhanh, nên là doanh nghiệp tiếp cận thị trường ở thời điểm này là rất phù hợp.
Xin cảm ơn ông!