Trong năm 2023, đã liên tục diễn ra những chuyến đi của các lãnh đạo cấp cao các nước cùng phái đoàn kinh doanh “lớn nhất từ trước đến nay” đến Việt Nam. Trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài toàn cầu khó khăn, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho các dòng vốn ngoại chất lượng.
Cơ hội xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn
Trong khuôn khổ chuyến công du tại Mỹ, tối 20.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ và thế giới như SpaceX, Pacifico Energy, Coca-Cola… Tại buổi tiếp, ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ và kinh doanh toàn cầu, cùng các lãnh đạo cấp cao của SpaceX cho biết tập đoàn dự kiến mở rộng đầu tư, mong muốn được cung cấp dịch vụ Starlink (internet vệ tinh) tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Pacifico Energy bày tỏ muốn đầu tư điện gió ngoài khơi Việt Nam, còn Coca-Cola cho biết trong thời gian tới, tập đoàn sẽ sản xuất theo hướng xanh, bảo vệ môi trường… Trước đó, tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH-ĐT) với Tập đoàn Cadence Design Systems để phát triển sản phẩm; ký với Đại học Arizona phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn; Bộ GD-ĐT ký với Tập đoàn Intel về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao; Cục Công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys nhằm hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ ngày 17.9, ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden (10 – 11.9). Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện cũng đã ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam để trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Cả hai nước ủng hộ sự phát triển nhanh chóng hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Trong đó, có một tuyên bố về khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn. Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Hiện diện trong phái đoàn cấp cao của Mỹ đến Việt Nam vừa qua cũng có lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trong chuỗi cung ứng về công nghiệp bán dẫn như Amkor Technology, Synopsys, Marvell… và họ đều công bố sẽ hợp tác đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Trong thực tế, 2 trong số 3 nhà cung cấp công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới đã có nhà máy tại Việt Nam. Trong đó, Intel đặt nhà máy tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước với khoản đầu tư đến nay gần 1,5 tỉ USD. Samsung cũng chuẩn bị thử nghiệm sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà ở nhà máy Samsung Thái Nguyên trong tương lai gần…
Ngoài ra, cũng trong tháng 9, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang với vốn đầu tư 600 triệu USD, đồng thời là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Tập đoàn này có kế hoạch tăng đầu tư lên 1 tỉ USD đến năm 2025, đặt tham vọng sẽ phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam.
Kế đó là dự án 1,6 tỉ USD về bán dẫn đang được Amkor Technology Việt Nam triển khai tại nhà máy lớn, hiện đại nhất của Amkor trên toàn cầu ở Bắc Ninh; Infineon Technologies AG – nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất nước Đức cũng thông báo thành lập trung tâm phát triển chip bán dẫn ở Hà Nội…
Giữa tháng 9 vừa qua, nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại Bình Dương sau hơn 1 năm được cấp phép, đang được cấp tập xây dựng, dự kiến kịp đưa vào hoạt động sản xuất vào nửa cuối năm 2024. Đây là một trong những dự án tỉ USD được cấp giấy phép đầu tư ngay sau đại dịch Covid-19 kết thúc và giải ngân triển khai đúng tiến độ nhất, cũng là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch tại Việt Nam. Đáng lưu ý, Lego ngay từ đầu đã theo đuổi chiến lược xanh đúng với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, xác định vốn FDI và tư nhân là trụ cột để thực hiện tăng trưởng xanh.
Chuyên gia năng lượng Khương Quang Đồng (Pháp) nhận xét nguồn đất hiếm dồi dào của Việt Nam đã hấp dẫn các quốc gia đang làm chủ công nghệ bán dẫn. Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào một vài đối tác, các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… đã tìm tới những nước có nguồn đất hiếm dồi dào như Việt Nam.
“Việt Nam có nguồn đất hiếm quý giá, nhưng chưa có công nghệ khai thác thân thiện với môi trường và công nghệ chế biến sâu. Với nền công nghiệp sản xuất vật liệu chiến lược và sức phát triển mạnh của nền kinh tế, Việt Nam sẽ là điểm hấp dẫn đầu tư của các ngành công nghiệp tương lai từ pin lithium, ô tô điện, điện thoại thông minh, đến máy tính… Đây là giai đoạn cuối cùng mà chúng ta cần vượt qua để xây dựng nền công nghiệp cao đại chúng”, TS Khương Quang Đồng nhấn mạnh.
Những viên gạch đầu tiên đã được “đại bàng” đặt xuống, xây tổ
Nhìn lại có thể thấy trong năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam có đặc điểm “xưa nay hiếm”, đó là sự xuất hiện của các phái đoàn doanh nghiệp gồm những “đại bàng” lớn trên thế giới, đến để tìm hiểu cơ hội làm ăn. Đó là đoàn hơn 50 doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ quốc phòng, dược phẩm, công nghệ, bán dẫn, tài chính, năng lượng, giải trí… với những tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Citibank, Meta, Amazon… Hãng tin Reuters khẳng định đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ hùng hậu nhất từ trước đến nay, cho thấy sự quan tâm ngày một tăng của doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 6, trong phái đoàn hơn 200 công ty tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam có chủ tịch các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte, Hanwha, Hanjin, Hyosung… Dịp này, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ thiết lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc và khuyến khích họ đầu tư vào Hyosung.
Kế đó là chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 8 và gần nhất là chuyến đi lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9 vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn chất lượng cao. Đến nay, đã có những “đại bàng” quyết định đặt viên gạch đầu tiên xây tổ tại Việt Nam. Apple đã mở cửa hàng trực tuyến cho thị trường Việt Nam, trong đó cung cấp đầy đủ các dòng sản phẩm và hỗ trợ tiếng Việt trực tiếp cho khách hàng toàn quốc.
Reuters bình luận đây là động thái “mở đường” để mở cửa hàng bán lẻ trực tiếp của “nhà táo”, rằng Tim Cook (Tổng giám đốc điều hành của Apple) đã “đặt cược” vào thị trường mới nổi này, nơi số lượng iPhone vẫn chưa bão hòa. Boeing cũng mở văn phòng đại diện tại Hà Nội và cho biết sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam. Hay sau chuyến đi cùng hơn 200 doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc, LG điều chỉnh tăng đầu tư thêm 1 tỉ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 2,05 tỉ USD và cho biết sẽ đầu tư thêm 5 tỉ USD vào Việt Nam; SK cho biết đang tính chuyện đầu tư lớn vào Việt Nam qua dự án sản xuất khí sạch hydrogen…
Các chuyến đi ngoại giao của các lãnh đạo cấp cao đã đem lại hiệu ứng tích cực lớn, sắp đến là việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Muốn tăng tốc với FDI, những nhà đầu tư có dự án tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính… cần được xem xét một cách thiện chí. Tình hình thế giới và trong nước cho thấy Việt Nam vẫn còn độ hấp dẫn đáng kể trong thu hút FDI. Chúng ta có tiềm năng, còn dư địa để đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Thế nhưng, cần lưu ý là muốn kêu gọi nguồn vốn chất lượng cao và xanh từ các tập đoàn lớn vẫn phải đặc biệt chú ý những vấn đề hạ tầng, mặt bằng, đất sạch, nhân lực, ưu đãi phù hợp thông lệ và luật pháp quốc tế… Đặc biệt, bất luận thế nào, thu hút vốn chất lượng cao đến đâu cũng phải chú trọng quy định về chuyển giao công nghệ, làm thế nào để doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Kỳ vọng vốn chất lượng cao đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu… năm 2023 là rất lớn. PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, nhận xét những gì chúng ta mong đợi từ các chuyến đi của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đến Việt Nam trong thời gian qua đã và đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực. Đó là các quyết định đặt viên gạch đầu tiên tại Việt Nam của những con “đại bàng”. Không những thế, số doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng của các ông lớn này cũng mở rộng đầu tư mạnh.
Ông nói: “Theo báo cáo mới đây của Wipo – chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – số doanh nghiệp FDI sở hữu công nghệ cao tại Việt Nam tăng lên đáng kể. Trong bối cảnh nhiều lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI, sự xuất hiện liên tục của các “đại bàng” thế giới tại thị trường Việt Nam đã có những tác động quan trọng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Từ những con “đại bàng” lớn, sẽ dẫn dụ những “con” khác trong chuỗi giá trị. Sự xuất hiện ngày một dày đặc những tên tuổi như Boeing khiến giấc mơ về một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay ngày một lớn, thậm chí là trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong ngành tàu thủy… Việt Nam từng có giấc mơ ấy và kỳ vọng được kích hoạt lại sớm. Ngoài ra, chính sách về giảm phát thải ròng của Việt Nam thực sự đã và đang hấp dẫn nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn FDI đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây cũng cho thấy nhà đầu tư ngoại đã có động thái đón đầu sự phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19 bằng tăng tốc mở rộng đầu tư, mở văn phòng, tìm hiểu thị trường… Qua đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi sớm hơn so với thế giới”.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp cận với thông lệ quốc tế
Trao đổi với Thanh Niên, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định môi trường chính trị – xã hội ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực cải cách thể chế, hướng đến phát triển xanh bền vững, giảm phát thải ròng… là lợi thế lớn để Việt Nam thu hút vốn FDI trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo hết năm 2022 cho biết vốn FDI vào Việt Nam tăng 108 bậc từ sau ngày Đổi mới năm 1986. Cụ thể, từ 3 triệu USD, xếp thứ 136/160 quốc gia toàn cầu lên 19 tỉ USD vào năm 2022, xếp vị trí 28 trên toàn cầu và thứ 3/10 trong khối ASEAN.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI trong 8 tháng năm 2023 tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước, đạt hơn 18 tỉ USD; giải ngân vốn FDI cũng cao kỷ lục, hơn 13 tỉ USD – mức giải ngân cao nhất trong 5 năm qua.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đánh giá có nhiều yếu tố khá thuận lợi và diễn ra rất nhanh trong thời gian qua. Đây là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt để tăng tốc thu hút vốn ngoại. Trong khi các nước trên thế giới đua nhau cạnh tranh về bán dẫn thì Việt Nam đang được truyền thông quốc tế đánh giá cao về nguồn đất hiếm. Đây là nguồn khoáng sản vô cùng quý giá, hơn cả dầu mỏ – nguồn xuất khẩu tạo ra 20% thu ngân sách hằng năm.
“Nếu chúng ta tạo ra 220.000 tấn đất hiếm thì hình dung có thể thu về mười mấy tỉ USD. Đó không chỉ là tiền mà còn là vị thế với thế giới. Thế giới ngày nay vận hành đơn giản lắm, anh có gì trao đổi với tôi thì anh có vị thế. Còn nếu anh phụ thuộc hoàn toàn vào tôi thì không bao giờ là đối thủ cạnh tranh cả”, GS Nguyễn Mại nói và nhấn mạnh thêm Mỹ là quốc gia dẫn đầu về công nghệ cao, công nghệ tương lai, công nghệ nguồn. Thế nên các hợp tác công nghệ giữa Mỹ và Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào công nghệ cao để hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tiếp cận với thông lệ quốc tế. Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về FDI khu vực Đông Nam Á cũng có nhận định Việt Nam đã khá nỗ lực trong tạo điều kiện cho FDI phát triển hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, là một trong những thị trường có ít rào cản về chính sách đối với FDI trong ASEAN. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần theo dõi sát những thay đổi chính sách của các nước, chiến lược đối ngoại của từng nước và đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào thị trường nội.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – nhận xét những phái đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam trong năm nay có rất nhiều nhà đầu tư chất lượng cao. FDI luôn là kênh vốn quan trọng của nền kinh tế. Nhất cử nhất động của Việt Nam trong cải cách mở rộng môi trường đầu tư, cải cách thể chế trong tình hình mới đều được các nhà đầu tư quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, Việt Nam cần tranh thủ thu hút nguồn vốn chất lượng cao sau các cuộc gặp gỡ, trao đổi quan trọng này.
Thanhnien.vn