Dự báo những tháng cuối năm xuất siêu sẽ tiếp tục tăng; song về dài hạn sẽ có nhiều khó khăn và bất định đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển đổi theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.
Thành công đa dạng hóa thị trường
Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm; tổng kim ngạch ước đạt 259,67 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỉ USD, giảm 13,8%. Điều này đưa giá trị xuất siêu lên tới con số 21,7 tỉ USD.
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp một lần nữa lại trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Các sản phẩm của ngành nông nghiệp đã có những đóng góp ấn tượng cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Tuy nhiên, sự tăng trưởng của những sản phẩm này cũng chỉ hỗ trợ một phần cho bức tranh chung của toàn bộ nền kinh tế. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 220 tỉ USD, tiếp tục giảm 9,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may, giày dép, gỗ…
Nếu xét theo khu vực kinh tế, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt gần 69 tỉ USD, giảm 5,7% và chỉ chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 191 tỉ USD, giảm 9,1% và chiếm 73,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu đạt 85 tỉ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 153 tỉ USD, giảm 14,9%. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu 16 tỉ USD; khu vực kinh tế nước ngoài xuất siêu 38 tỉ USD. Tốc độ suy giảm trong xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ giảm 5,7%, thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài giảm 9,1%.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đi xuống, nếu theo dõi sát tình hình xuất khẩu thì có thể thấy khối FDI xuất siêu tăng cao ngay từ đầu năm. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu. Điều đó cho thấy sự chênh lệnh khá lớn về năng lực sản xuất, xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu có sụt giảm do tình hình chung, nhưng những kết quả đạt được của khối FDI đóng góp tích cực và hết sức quan trọng cho nền kinh tế.
Theo Bộ Công thương, kinh tế thế giới nhìn chung hết sức khó khăn, đặc biệt ở các thị trường chính của VN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Cụ thể, trong khi thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN là Mỹ chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 71 tỉ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022, thì các doanh nghiệp đã kịp thời đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc, với kim ngạch ước đạt trên 42 tỉ USD, tăng 2,1%. Khi thị trường EU và Nhật Bản gặp khó thì xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 4%, ước đạt 5,9 tỉ USD và thị trường châu Phi tăng 1,2%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 9,4%…
Báo cáo của Bộ Công thương nhận định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn hết sức khó khăn, các doanh nghiệp VN đặc biệt là nông nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Về tổng thể, doanh nghiệp các lĩnh vực đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU đều giảm thì chuyển hướng sang các thị trường mới đặc biệt là thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, đặc biệt thị trường Trung Quốc là thị trường lớn duy nhất đạt tăng trưởng dương (tăng 2,1%), trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Thích ứng với thị trường bất định
Về cơ bản, xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, về bản chất xuất siêu của VN trong thời gian qua là do tăng trưởng xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu chứ không phải tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính – Đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích: “Từ đầu năm đến nay, xuất siêu của VN liên tục tăng cao. Dĩ nhiên cũng có mặt tích cực. Tôi cũng tin rằng nó sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2023 khi mà các thị trường tiêu thụ vào mùa cao điểm mua sắm. Tuy nhiên, về trung và dài hạn sẽ có rất nhiều khó khăn thử thách cho các doanh nghiệp VN. Đầu tiên kinh tế thế giới vẫn chưa khả quan, sức mua vẫn yếu và theo thông tin tôi được biết thị trường quan trọng nhất thế giới nỗi lo lạm phát vẫn chưa lắng dịu. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức mua và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của họ trong năm tới. Trên bình diện toàn cầu, thị trường vẫn chưa khởi sắc, đặc biệt là cuộc xung đột mới đây giữa Hamas – Israel làm cho tính bất định của kinh tế thế giới tiếp tục kéo dài. Cuộc xung đột này tiếp tục làm đảo lộn các dự báo và kế hoạch kinh tế trước đó”.
TS Huân nói tiếp: Nếu tiếp cận vấn đề trên bình diện nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động mạnh và bản chất xuất siêu của VN là nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu thì thật sự cần phải tìm giải pháp để phục hồi. Một yếu tố tích cực có thể thấy được là trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nội địa VN đã tích cực chuyển đổi từ việc sử dụng nguyên liệu ngoại nhập sang nguyên liệu nội địa. Đây là điều cần tiếp tục phát huy để nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa VN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng cần phải xác định theo xu hướng thị trường là “xanh hóa” sản phẩm và hướng đến kinh tế tuần hoàn chứ không nên chỉ tập trung cạnh tranh về giá. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp nên tranh thủ tái cấu trúc lại sản xuất, định vị lại sản phẩm và thị trường để chuẩn bị cho những năm sắp tới. Nếu không kịp xanh hóa sản phẩm, có thể doanh nghiệp sẽ không vượt qua được những khó khăn kéo dài sắp tới.
Theo ông Huân, để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến kích, xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn. Như trong ngành dệt may, chúng ta đang chậm chân và đứng trước nguy cơ mất thị phần vào tay Bangladesh. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là tỷ giá đồng tiền. Hiện nay, đồng tiền của hầu hết các nước đều mất giá so với USD trong khi VN đang giữ giá đồng tiền của mình rất tốt. Mặt tích cực là giúp ổn định kinh tế vĩ mô, song việc đồng tiền các nước mất giá mà VNĐ đứng yên so với USD cũng đang làm hàng hóa của VN trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, VN cũng là nước nhập khẩu hàng hóa về gia công xuất khẩu, chính vì vậy cần có một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn cho nền kinh tế để làm sao các bên ít bị ảnh hưởng nhất.