Lai ChâuLớp học trong lán xe bị dột vì cơn mưa rào, làm sách vở của Lý Thị Lang, ướt; cô giáo phải kê bàn vào trong và đặt một chậu hứng nước bên cạnh.
Lang, 9 tuổi, dân tộc Dao, là học sinh lớp 4A5, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Từ đầu năm nay, lớp của Lang chuyển xuống học tại lán xe, nằm ở góc trong cùng, phía sau dãy phòng học.
Do lớp chật, khoảng cách từ chỗ ngồi bàn đầu của Lang tới bảng chỉ khoảng một mét. Những ngày trời mưa, nước nhỏ xuống sàn và góc tường, bắn lên sách và làm nhòe vở viết của Lang, nên cô giáo phải kê lùi bàn của em vào phía trong để tránh dột. Bên cạnh chỗ ngồi của Lang, chậu đựng màu xanh được cô giáo đặt dưới sàn để hứng nước mưa. Chậu đầy nước, cô trò lại thay nhau mang đổ đi, hứng tiếp.
Học cùng lớp 4A5 trong lán xe là lớp 3A2. Tận dụng được ánh sáng từ cửa vào, gần 30 học sinh lớp này nhìn bảng “rõ hơn một chút”, nhưng không gian lớp tạm vẫn hạn chế, khiến các bàn phải kê sát nhau.
Không tường hay vách ngăn, “ranh giới nhân tạo” giữa hai lớp là chiếc bảng được kê lên mặt bàn, cũng là thiết bị dạy học của cô trò lớp 3A2. Lối đi được chừa lại chỉ đủ cho một người đi qua, nên học sinh lớp 4A5, lớp ở bên trong, thường phải nối đuôi nhau mỗi giờ vào lớp hay tan học.
Tổng sĩ số của hai lớp gần 60, trong khi không gian của lán xe khoảng 40 m2. Trong khi theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học, diện tích phòng dành cho học sinh tiểu học không được dưới 40 m2.
Chưa kể, phòng học còn phải được trang bị đầy đủ bàn, ghế đúng quy cách, đủ chỗ ngồi, hệ thống đèn và quạt, tủ đựng hồ sơ và thiết bị dạy học. So với những tiêu chuẩn này, những lớp học tạm với vài ba bóng điện, tiếng mưa rơi trên mái tôn át cả tiếng giảng bài của cô giáo tại Nậm Xe chưa đạt về mọi mặt.
Cách lán xe 30 m là văn phòng của các thầy cô (phòng hội đồng), giờ là lớp học tạm của thầy trò lớp 3A1. Với sĩ số 32, các học sinh chia thành 10 bàn, mỗi bàn ba em. Hai học sinh còn lại sẽ ngồi ở chỗ bàn máy tính, vuông góc với bảng nên khó nhìn hơn.
Thầy Trần Thế Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, cho biết năm ngoái, học sinh ở điểm trường lẻ gần bản, mới về điểm trường trung tâm đầu năm nay. Học ở trung tâm sẽ giúp các em tham gia các hoạt động của trường dễ dàng hơn, thiết bị đầy đủ hơn, nhưng do đang học lớp tạm, học sinh gặp nhiều thiệt thòi.
Bàn trong phòng hội đồng không phải loại chuyên dùng cho học sinh, cao so với hầu hết học trò. Các em phải vươn người lên mới viết được. Về lâu dài, tư thế ngồi học của các em sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do đây cũng là phòng Tin học, nên mỗi khi lớp nào có giờ môn này, thầy Công và học trò phải di chuyển ngược lên lớp đó để học.
“Các giờ học mà cần tổ chức trò chơi cũng khó. Tôi chủ yếu để các em vận động tại chỗ, cùng lắm đứng lên”, thầy Công nói.
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu phòng học ở Nậm Xe là do chính sách đưa học sinh lớp 3-5 từ các điểm xa về trường trung tâm, theo ông Nguyễn Vương Hùng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ.
Học sinh về trung tâm sẽ được chăm sóc bán trú, điều kiện ăn, ở được đảm bảo, giúp nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường. Song, khi số học sinh tăng nhanh chóng, trường Nậm Xe bị quá tải, buộc phải lấy thêm lớp học làm phòng ở bán trú.
Cô Bùi Thị Khuyên, Phó hiệu trưởng trường Nậm Xe, cho biết điểm trường trung tâm hiện có 518 học sinh, trong đó 363 em thuộc diện ăn, ở bán trú tại trường. Lượng học sinh bán trú lớn, song trường Nậm Xe chỉ có bốn phòng ở.
“Cơ sở vật chất phục vụ bán trú của trường rất thiếu. Phòng thì chật, mỗi giường phải nằm ba học sinh, mùa đông lạnh, mùa hè lại nóng. Từng có Hội Chữ thập Đỏ tài trợ giường, nhưng chúng tôi không có chỗ mà kê”, cô Khuyên nói.
Tình trạng chắp vá của các lớp học ảnh hưởng đến chất lượng và hoạt động dạy học của trường Nậm Xe.
Cô Khuyên cho biết ngoài hai lớp học trong lán xe, một lớp ở phòng hội đồng, trường còn lớp đang học nhờ tại nhà dân, nhà văn hóa xã. Các lớp học tạm đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở vật chất theo yêu cầu của Bộ, ảnh hưởng tới tư thế ngồi học, thị lực và việc nghe giảng của học sinh.
Chưa kể, do đã sử dụng lán xe làm lớp học, giáo viên Nậm Xe phải để xe ngoài trời, dọc cổng vào trường, một số thầy cô gửi ở nhà người dân, mỗi tháng 130.000 đồng. Vào giờ ra chơi, do không có phòng, giáo viên sẽ ngồi nghỉ “ké” học sinh tại khu vực mượn sách của thư viện. Hôm nào có lớp sinh hoạt thư viện thì thầy cô lại “mỗi người một chỗ” trong lúc đợi hết giờ ra chơi.
Ông Nguyễn Vương Hùng cho biết huyện đã chi ngân sách 9 tỷ đồng, xây một dãy nhà ba tầng, gồm 12 phòng cho trường Nậm Xe. Trường mới cách trường hiện tại khoảng một km, dự kiến năm học tới đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả khi có thêm 12 phòng học này, trường Nậm Xe vẫn thiếu 18 phòng, gồm cả các phòng chức năng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lớp học chưa đủ nên phòng dành cho bán trú cũng thiếu.
“Thời gian này, Phòng chỉ đạo trường ưu tiên những em đủ điều kiện ở bán trú, những em có người nhà, họ hàng quanh trường thì cho ở đó nhưng vẫn hưởng chính sách bán trú theo quy định”, ông Hùng nói.
Lò Thị Cúc, lớp 3A2, không biết khi nào được chuyển đến trường mới và ở trong một phòng bán trú rộng rãi hơn. Mới từ điểm bản về trường trung tâm đầu năm nay, Cúc nhỏ nhất lớp, được ngồi bàn đầu trong lớp học ở lán xe, cách bảng chưa tới 1 m.
Trong ngày mưa tầm tã cuối tháng 9, Cúc và các bạn học tới bài Cánh rừng trong nắng. Giáo viên thì sốt ruột nhưng Cúc không mảy may bận tâm. Em nói được đi học là thích.
Quỹ Hy vọng – báo VnExpress đặt mục tiêu xây thêm phòng bán trú cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Xe, Lai Châu. Quý độc giả có thể đồng hành cùng quỹ trong chương trình Ánh sáng học đường tại đây.
Thanh Hằng