Ngày 16.10, thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sau 2 tuần mổ cấp cứu, đến nay 2 con của chị T. đã bắt đầu có phản xạ bú nuốt.
Gian nan hành trình tìm con
Chị T. cho biết, chị từng mang thai tự nhiên và sinh thường lần đầu vào năm 2017. Sau 5 năm chị mong sinh thêm bé thứ 2 nhưng không được. Đi khám, kết quả dự trữ buồng trứng giảm do bị lạc nội mạc buồng trứng bên và từng mổ nội soi bóc nang lạc nội mạc. Chị được kích trứng và chọc hút trứng làm được 4 phôi trữ để thụ tinh ống nghiệm.
Lần đầu chị T. được chuyển 1 phôi trữ nhưng thất bại. Lần 2, chị tiếp tục được chuyển 1 phôi trữ và kết quả đã mỉm cười với chị khi siêu âm ghi nhận song thai hai nhau hai ối.
Quá trình phát triển thai nhi hoàn toàn bình thường qua các cột mốc quan trọng như 12 tuần sàng lọc dị tật nguy cơ thấp, 21 tuần khảo sát hình thái không ghi nhận bất thường, 25 tuần kiểm tra dung nạp đường âm tính. Được tiêm thuốc hỗ trợ phổi lúc thai 29 tuần.
Đau bụng âm ỉ, xuất huyết nội khi thai 30 tuần
Khi thai được 29 tuần 3 ngày, chị T. thấy đau bụng âm ỉ ngày càng tăng, chị đi khám kiểm tra thai ở 1 cơ sở y tế tư nhân, được chẩn đoán dọa sinh non. Sau khi thăm khám và uống thuốc theo toa, tình trạng đau bụng không thuyên giảm nên chị và gia đình đã quyết định đến Bệnh viện Từ Dũ kiểm tra thêm.
Chiều ngày 28.9, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ, qua siêu âm, bác sĩ ghi nhận tình trạng song thai khoảng 30 tuần, có 1 thai nhỏ tăng chỉ số PI động mạch rốn, giảm CPR (chỉ số não nhau, CPR thấp là một dấu chứng của thai thiếu oxy máu). Đặc biệt là trong ổ bụng mẹ có rất nhiều dịch bất thường nghi ngờ có tình trạng xuất huyết nội nên quyết định hội chẩn bác sĩ trưởng khoa cấp cứu chọc dò ổ bụng tại phòng siêu âm để xác định chẩn đoán.
Ngay sau đó, chị T. được chuyển lên phòng mổ để mổ cấp cứu với chẩn đoán xuất huyết nội trên song thai 30 tuần.
Sau khi bác sĩ phẫu thuật vào bụng quan sát thấy trong bụng chị T. có 1.000 ml máu sậm và cục, tiến hành mổ ngang đoạn dưới tử cung bắt ra 2 bé gái nặng 1.200 g và 1.000 g.
Bác sĩ phẫu thuật tiếp tục kiểm tra thấy góc phải tử cung có vết nứt 2 cm đang chảy máu, mô nhau thập thò qua vết nứt. Bác sĩ khâu phục hồi cơ tử cung chỗ bị nứt, thắt động mạch tử cung hai bên, kiểm tra cầm máu tốt. Máu mất tổng cộng 1.500 ml, bệnh nhân được truyền 2 túi hồng cầu lắng 350 ml.
Sau mổ 24 – 48 giờ, chị T. phục hồi sức khỏe tốt, không sốt, vết mổ khô, ăn uống, đi lại gần như bình thường. Sau 14 ngày, 2 bé đã dần ổn định, tự thở được và được chuyển ra ngoài để thực hiện chăm sóc Kangaroo. Đến hôm nay, 2 bé đã bú trực tiếp những giọt sữa mẹ.