TS Lê Thẩm Dương tranh luận ‘nảy lửa’ về hạnh phúc
Vì sao người giàu lại không hạnh phúc?
Ngay khi mở đầu buổi tranh luận, GS Trương Nguyện Thành đã bày tỏ sự bối rối khi “cái mác” hạnh phúc được sử dụng ngày càng nhiều, từ “Trường học hạnh phúc” đến “Quốc gia hạnh phúc”. Dẫu đây không phải là khái niệm xa lạ, nhưng tần suất xuất hiện ngày càng nhiều khiến GS Trương Nguyện Thành không khỏi băn khoăn về ý nghĩa thực sự của 2 từ “hạnh phúc”.
Trước vấn đề đó, TS Lê Thẩm Dương khẳng định: “Bản chất của hạnh phúc là sự cho đi”. Tuy nhiên, ngay lập tức, GS Trương Nguyện Thành đã đặt câu hỏi hóc búa: “nếu bản thân không có gì thì làm sao có thể cho đi?”.
Để trả lời cho câu hỏi này, TS Lê Thẩm Dương lý giải mệnh đề tưởng chừng là nghịch lý là “người nghèo mạt hạng ở xã hội này vẫn có hạnh phúc”. Bởi lẽ, thứ mà họ cho đi là tình cảm. Mặt khác, người giàu chưa chắc đã hạnh phúc. “Suy nghĩ có tiền sẽ có hạnh phúc là gay go lắm”, TS Lê Thẩm Dương nhấn mạnh.
Để củng cố lập luận tiền không mang lại hạnh phúc, TS Lê Thẩm Dương lấy ví dụ về bộ tiêu chí đánh giá chỉ số hạnh phúc của mỗi quốc gia được WHR (Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report – WHR) đặt ra. Theo đó, ¼ đại lượng đo lường thuộc về khía cạnh vật chất, số còn lại liên quan đến tinh thần.
Cùng bàn về câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”, GS Trương Nguyện Thành đưa ra một cách hiểu khác: “Bây giờ lấy những cái mình có được trừ cho những thứ mình mong muốn, nếu chỉ số dương thì mình hạnh phúc”. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về việc đặt mong muốn quá thấp sẽ triệt tiêu khả năng phát triển của bản thân.
Cùng đồng tình với quan điểm đó, TS Lê Thẩm Dương cho rằng: “Điều gay go nhất nằm ở vấn đề bạn đặt mục tiêu là gì”.
“Suy cho cùng, động lực là trục chính để thúc đẩy con người làm việc suốt đời. Để có được điều đó thì người ta phải có mục tiêu, hay nói cách khác là khát vọng, là mơ ước mà con người có thể làm được”, TS Lê Thẩm Dương nói. Mục tiêu có thể là những cái rất cụ thể, mỗi người mỗi khác nhưng cuối cùng nó phải mang lại hạnh phúc.
Ông chia mục tiêu làm 2 dạng: mục tiêu công cụ và mục tiêu cứu cánh. Trong đó, đích đến của cuộc đời phải là mục tiêu cứu cánh. TS Lê Thẩm Dương lấy ví dụ: “Bạn đặt ra mục tiêu có tiền, có quyền thì điều đó không sai. Thế nhưng nếu bạn đội tiền trên đầu và chỉ phục vụ cho cá nhân mình thì không bao giờ có hạnh phúc”.
Từ đó, ông nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng: “Thanh niên, trước hết phải là người, phải làm việc và trở thành công dân. 3 công cụ này, bạn khắc có tiền, địa vị và danh vọng. Bạn dùng những thứ đó để cống hiến cho nhân loại thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ được ‘đúc tượng'”.
Hạnh phúc và sự nghiệp của người trẻ
Bàn về hạnh phúc, TS Lê Thẩm Dương chia phạm trù này thành 4 nhóm: hạnh phúc sức khỏe, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng và hạnh phúc nghề nghiệp. Nói riêng về các mối quan hệ, từ gia đình, bạn bè cho đến xã hội, TS Lê Thẩm Dương cho rằng để đạt được hạnh phúc nhất thiết phải chấp nhận sự khác biệt.
“Cuộc sống hôn nhân chắc chắn sẽ xảy ra va chạm giữa hai tính cách, hai gia phong. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển. Quan trọng nhất là thái độ, cách mình ứng xử với những sự khác biệt đó. Thế nên, bước đầu tiên để có hạnh phúc là nhận thức. Người trẻ đừng mong mình hạnh phúc ngay”.
Nhắc đến hạnh phúc của người trẻ, GS Trương Nguyện Thành đã nêu lên một thực trạng rằng hiện nay, số lượng người trẻ mắc bệnh trầm cảm không ngừng gia tăng. Theo đó, nhịp sống hối hả, áp lực từ công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi: “Vậy làm sao để người trẻ tìm được hạnh phúc trong sự nghiệp?”.
TS Dương phân tích cấu tạo của hạnh phúc nghề nghiệp, gồm: hoài bão và sứ mạng. Người trẻ thường bị tắc ở khâu đầu tiên là tìm ra ước mơ của mình. Ông chỉ ra: “Hoài bão chỉ đạt được khi bạn biết lao động thông minh thay vì chăm chỉ. Để có được hạnh phúc trong nghề nghiệp thì phải hành động và đặt ra mục tiêu của bản thân”.
TS Lê Thẩm Dương thẳng thừng bác bỏ quan điểm: “Đã ước mơ thì phải ước mơ cho lớn”. Đó cũng là sai lầm của nhiều người trẻ ngày nay. Ông cho rằng bạn trẻ nên đặt những mục tiêu rất cụ thể và phải thấp, đơn cử như việc học một thứ gì mới, sau đó phải thực hiện được bằng mọi giá. Chỉ có như thế thì ý chí mới được nuôi dưỡng. Trong chạy marathon, chúng ta hãy nghĩ đến việc vượt lên người phía trước chứ đừng chăm chăm vượt qua người đầu tiên”.
Trong thời đại VUCA (biến động – không chắc chắn – phức tạp – mơ hồ), để đạt được tầm nhìn dài hạn, người ta không chỉ đặt ra mục tiêu ngắn hạn mà còn điều khiển cuộc đời bằng những kịch bản. Chính vì thế, lời khuyên của TS Lê Thẩm Dương dành cho người trẻ là chuẩn bị mục tiêu cụ thể cho từng kịch bản của cuộc đời.
Chương trình Podcast của Báo Thanh Niên “Đối thoại Trương Nguyện Thành” sẽ tiếp tục với cuộc tranh luận thú vị khác ở các số tiếp theo.