Thưa Thứ trưởng, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đóng vai trò như thế nào với doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
– Trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, biến đổi không ngừng của thị trường và môi trường kinh doanh, ĐMST trở thành yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Theo Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Còn theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.
Từ những kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực và là một trong những trụ cột của hệ sinh thái ĐMST gồm Nhà nước; viện nghiên cứu – trường đại học; doanh nghiệp cùng các chủ thể liên quan khác. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách so với một số quốc gia phát triển khác nên các doanh nghiệp Việt Nam cần: Một, đầu tư vào R&D để tạo ra sản phẩm và công nghệ mới.
Hai, xây dựng một văn hóa sáng tạo, khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng mới và thử nghiệm các giải pháp đột phá đồng thời, cần tạo ra các cơ chế khuyến khích sáng tạo.
Ba, nâng cao nhận thức về ĐMST. Chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về ĐMST cũng như tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa học về công nghệ, ĐMST. Đào tạo cho nhân viên các kỹ năng công nghệ 4.0 để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một số quan điểm cho rằng, ĐMST là cuộc đua “đốt tiền”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Quan điểm này không hoàn toàn chính xác vì ĐMST không chỉ phụ thuộc vào việc có tiền mà còn là sự quản lý thông minh và sáng tạo của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài nguyên hiện có. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ việc áp dụng các giải pháp sáng tạo để vượt qua hạn chế về nguồn vốn. Họ có thể tận dụng các nguồn tài trợ ngoài, hợp tác đối tác, áp dụng các mô hình kinh doanh linh hoạt, khai thác tối đa các thế mạnh của nhân lực sẵn có và tận dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động.
Khi nói đến doanh nghiệp ĐMST, tôi cho rằng, điều quan trọng các doanh nghiệp cần có là tư duy linh hoạt để thích nghi với môi trường kinh doanh thay đổi, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Thứ hai là tư duy khách hàng. Định hình các giải pháp và sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn thực tế, từ đó tạo ra giá trị và tạo lòng tin từ khách hàng.
Thứ ba là tư duy sáng tạo trong tất cả các cấp bậc và phát triển một môi trường làm việc. Cung cấp không gian cho việc thử nghiệm ý tưởng mới.
Tiếp đó là tư duy hợp tác. ĐMST thường không thể thực hiện đơn độc. Trong nội bộ doanh nghiệp cần tăng cường khả năng làm việc nhóm, thường xuyên trao đổi đồng thời phát triển các mối quan hệ đối tác để chia sẻ ý tưởng, kiến thức và tài nguyên.
Cuối cùng, ĐMST không chỉ là quá trình ngắn hạn mà là chiến lược dài hạn. Doanh nghiệp cần đổi mới và tạo ra một quy trình liên tục để khám phá và áp dụng các ý tưởng mới.
Thưa ông, thời gian qua, Bộ KHĐT đã có những hỗ trợ ra sao để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ĐMST?
– Bộ KHĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự thảo, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ sinh thái ĐMST. Kịp thời hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiềm năng, hình thành một môi trường đầu tư ĐMST thực chất và hiệu quả cũng như khuyến khích tạo ra các cộng đồng ĐMST có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh.
Bộ cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp. Khởi xướng Sáng kiến ĐMST Việt Nam, giao Trung tâm ĐMST Quốc gia thực hiện mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 500 doanh nghiệp ĐMST tiêu biểu, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm ĐMST Quốc gia cũng được giao liên kết với rất nhiều các tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, các vườn ươm, các trường đại học có chương trình đào tạo về ĐMST.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!