Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực lớn từ bên ngoài, Ủy ban Kinh tế cho rằng GDP 2023 chỉ tăng trên 5%.
Nhận định này được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội 2023, dự kiến kế hoạch 2024.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết kinh tế – xã hội năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, khi 10 trong 15 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt mục tiêu. Tuy nhiên, 5 chỉ tiêu sẽ không đạt, trong đó năng suất lao động năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu. Cùng đó, chỉ tiêu tăng trưởng năm nay giảm đáng kể, khi GDP cả năm ước tăng trên 5%. Mức này thấp hơn mục tiêu 6,5% Quốc hội giao và yêu cầu phấn đấu 6% được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ.
“Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận xét.
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ cuối tháng 9, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng tăng trưởng năm nay khó vượt 6%. Cơ quan này dự báo 3 kịch bản tăng trưởng 2023. Trong đó, kịch bản thấp nhất, tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5% thì quý cuối năm cần tăng 7%. Kịch bản trung bình, GDP cả năm tăng 5,5%, quý IV phải tăng 8,8%.
Mức tăng khả quan nhất được Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo là khoảng 6%, nhưng để đạt được mức này, GDP quý IV phải tăng 10,6%. Đây là con số rất thách thức khi GDP quý III chỉ tăng 5,33%. Tức là, muốn đạt tăng trưởng 6% cả năm, quý cuối cùng phải có mức tăng gần gấp đôi quý vừa qua.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, xuất khẩu – động lực tăng trưởng kinh tế, dự báo giảm thấp trong năm nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ; đầu tư tư nhân tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh khi chỉ số IIP của ngành quý I giảm 2,9%, quý II giảm 0,7%, 9 tháng tăng rất thấp 0,2%.
Ông Thanh nhắc tới thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất và logistics tăng cao. Thực tế này dẫn tới số đơn vị giải thể, phá sản 9 tháng tăng cao, hơn 135.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số đăng ký và 1,2% về số lao động. Tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, thực tế giải ngân vốn đầu tư công cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng, tới cuối tháng 9 đạt gần 51,4%. Có 17 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 10%.
Dự báo nhiều khó khăn hiện hữu, song Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục vào 2024-2025. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7% là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế.
Cơ quan thẩm tra cho rằng một số chỉ tiêu như GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, hay tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân… sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá.
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD. Song khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng này, và cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đẩy nhanh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tháo gỡ vướng mắc để các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán và kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế bền vững hơn.