“Anh bán trà nuôi cả nhà”, chiếc bảng hiệu ngộ nghĩnh khiến ai nấy đi ngang đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM) cũng tò mò, dừng mắt.
Ít ai biết, trước khi sở hữu quán trà có mặt bằng quy mô như hiện nay, anh Tùng từng khởi nghiệp chỉ với một chiếc xe đẩy được mua bằng tiền mượn nợ.
Với chiến lược bán hàng mới lạ, ông chủ đã nâng doanh thu lên 800 ly trà, tương đương 200kg trái cây mỗi ngày vào thời điểm nắng nóng.
Khởi nghiệp 0 đồng và áp lực “phải nuôi được vợ con”
Đầu năm 2023, trước tình hình khó khăn của công ty, anh Tùng chủ động nghỉ việc văn phòng. Nguồn thu nhập đứt đoạn khi đang mang nợ, vợ vừa sinh con đầu lòng đẩy anh vào tình huống vô cùng ngặt nghèo.
Những ngày thất nghiệp đúng mùa nắng nóng đỉnh điểm tại TPHCM, anh Tùng liền nghĩ đến việc sẽ kinh doanh mặt hàng ăn uống. Trong khi đó, nghe tin con trai bỏ việc bàn giấy ổn định, có cơ hội thăng tiến để làm việc tay chân, gia đình Tùng nhất quyết phản đối.
“Cái tên tiệm “Anh bán trà nuôi cả nhà” đã ra đời trong thực tế khắc nghiệt đó. Túi rỗng buộc tôi lúc nào cũng phải cố gắng, ít nhất để nuôi được vợ con”, anh Tùng nói.
Nửa tháng đầu tiên, anh Tùng đã bắt xe buýt để ghé thăm những quán trà nổi tiếng tại TPHCM. Với mỗi loại nước uống, anh đều quan sát, phân tích nguyên liệu và ghi chú cẩn thận trong cuốn sổ tay riêng.
Nắm bắt xu hướng người trẻ ngày càng quan tâm đến sức khỏe, hạn chế chất béo, đường hóa học, anh Tùng pha chế ra loại trà có thể kết hợp với trái cây tươi. Anh nghiên cứu đặc tính của từng loại trái cây, sau đó sẽ chọn phương thức nấu, làm sốt, ngâm đường với định lượng nhất định nhằm tạo ra hương vị khác biệt.
Từ đem cho đến doanh số 800 ly trà/ngày
Ngay sau khi tìm được công thức ưng ý, anh Tùng đã vay mượn 22 triệu đồng thuê mặt bằng ở lề đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM). Ngày đầu đứng bán, mọi người chưa quen với thức uống mới này nên suốt 4 tiếng, xe trà của anh Tùng không có lấy một người khách dừng chân.
“Hôm đó tôi nản lòng lắm vì cả đêm nấu trà, sáng còn đứng dưới nắng nóng, khắc nghiệt vô cùng mà không có khách! Nếu còn tiền chắc tôi đã kéo xe về, nhưng thời điểm đó đã vét sạch túi nên đành nhất quyết không cho phép bản thân bỏ cuộc”, anh Tùng nói.
Trà đã ủ không thể mang về, cuối cùng anh Tùng quyết định đem tất cả tới phát ở các quán nhậu, chủ tiệm ăn xung quanh. Không ngờ sau đó thấy vị trà hợp khẩu vị, người dân kéo đến ủng hộ ông chủ xe trà trái cây bên hè đường.
Sau 2 tuần, chiếc xe “Anh bán trà nuôi cả nhà” đã thu hút giới trẻ khắp nơi đến quay phim, chụp ảnh. Bằng cách chia sẻ hành trình khởi nghiệp của người vốn làm văn phòng lên mạng xã hội, anh Tùng cũng nhanh chóng có kênh TikTok đạt gần 100.000 lượt theo dõi.
Sau 3 tháng khởi nghiệp, anh Tùng quyết định thuê mặt bằng rộng để khách có thể ngồi lại uống trà, đồng thời mở các lớp học dạy pha chế. Mỗi ngày xe trà của anh luôn đạt doanh thu 500 ly trà, riêng thời điểm nắng nóng là 800 ly, tương đương 200-250kg trái cây tươi.
“Đến giờ tôi không chỉ trả hết nợ nần, nuôi được vợ con mà còn tạo công ăn việc làm cho người trong gia đình”, anh Tùng nói.
Giữa lúc thịnh hành đã phải lo lúc xu hướng thoái trào
Theo anh Tùng, trà được tiêu thụ tốt là nhờ anh chọn đúng thời điểm đỉnh điểm nắng nóng để mở tiệm. Ngoài ra, điều quyết định 80% sự thành công chính là việc tận dụng thế mạnh truyền thông, giới thiệu bản thân trên các nền tảng mạng xã hội.
Ban đầu, vào thời gian vắng khách, anh Tùng đã nghĩ đến chuyện làm gì đó gây chú ý. Lập tức, anh lập fanpage, kênh TikTok, sản xuất nội dung về hành trình bỏ việc làm công ăn lương để khởi nghiệp… Những câu chuyện mô tả cuộc sống hằng ngày của anh Tùng thu hút hàng triệu lượt xem, tiếp cận hơn 5 triệu người dùng mạng xã hội.
“Tôi đề cao sự kiên trì, nỗ lực, bởi trong hoàn cảnh khó khăn nhất, buộc phải lao ra đường kiếm tiền thì bằng cách nào đó, tôi có sức mạnh gấp đôi. Trước đây tôi học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chưa từng học qua pha chế và thực sự chỉ xây dựng mô hình kinh doanh này trong tâm thế cần một công việc kiếm ra tiền”, anh nói.
Sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội, anh Tùng thường xuyên tổ chức các buổi workshop miễn phí, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ theo đuổi hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ.
Kinh doanh trà trái cây, theo anh, người làm không cần quá nhiều vốn. Anh Tùng khuyên nhà kinh doanh nên chọn vốn khởi nghiệp ở mức an toàn để dù có thất bại cũng không mất trắng. Ngoài ra, cần trang bị các kiến thức cơ bản về thức uống, tính toán chi phí, nắm bắt tệp khách hàng, xây dựng thương hiệu…
Trà trái cây, bánh mì nướng, bánh đồng xu… đều là những món ăn, đồ uống hot trend (xu hướng) thức thời, sẽ đến giai đoạn thoái trào. Nhằm duy trì công việc kinh doanh, anh Tùng cho biết bản thân không ngừng sáng tạo với sản phẩm của mình.
Với nguồn nguyên liệu trái cây, anh Tùng đã mày mò làm nhiều loại nước uống, đồ ăn khác chuẩn bị cho việc thay đổi.
“Mỗi sản phẩm đều có chu kỳ lên xuống của riêng nó, buộc người kinh doanh phải luôn thật tỉnh táo. Ngay thời điểm trà trái cây đang thịnh hành, tôi đã nghiên cứu các món mới như trà kombucha, trái cây sấy, sốt trái cây… Tất cả đều dựa trên cùng nguồn nguyên liệu nhưng cách chế biến khác nhau, sản phẩm khác nhau để tạo ra xu hướng mới”, anh Tùng nói.