Trên thực tế, cơ cấu giá thành của sách giáo khoa bao gồm: Vật tư in: Giấy in, tem chống giả, rọc giấy (nếu có); Công in: Giá nhân công, mực in, chất liệu gia công khác, chi phí vận chuyển…; Chi phí thuê kho (chứa giấy in, chứa thành phẩm), vận chuyển; Chi phí quản lý: Tiền lương cho người lao động, thuê cơ sở vật chất; Nhuận bút tác giả, phí sử dụng bản quyền; Vốn đầu tư sản xuất; Phát triển thị trường: Truyền thông quảng bá, giới thiệu, tập huấn sử dụng sách…; Học liệu điện tử nhằm thực hiện mục tiêu số hóa trong giáo dục; Chi phí phát hành: Để đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người dùng…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giấy in sách giáo khoa năm 2006 xấp xỉ 11 triệu đồng/tấn, trong khi đó cũng loại giấy này giá của năm 2023 là 24 triệu đồng/tấn tăng gấp 24 lần so với giá giấy năm 2006.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng ở các thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2023 được Nghị định 90/2019/ND-CP quy định là 4.420.000đ/tháng, tăng gấp 7, 12 lần so với mức lương tối thiểu vùng năm 2006. Với mức độ tăng tiền lương cơ sở và mức tiền lương cơ sở vùng như vậy, thì giá thuê nhân công cũng phải tăng lên tương xứng.
Ngoài giá nguyên liệu chính là giấy in, và nhân công tăng gấp nhiều lần, giá các loại vật tư khác như mực, và các loại vật tư phụ trợ khác cũng tăng cao. Đó là chưa kể đến giá điện nước, xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng liên tục; giá các mặt hàng thiết yếu trong xã hội cũng đồng loạt tăng sau mỗi đợt Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng. Đó là chưa kể đến lãi suất ngân hàng cao hơn nhiều so với trước, mà doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không có ưu đãi gì, trong khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm sách giáo khoa 2006 được ngân hàng nhà nước cho vay lãi suất thấp trong thời hạn là 20 năm; không phải làm công tác truyền thông quảng bá để cạnh tranh chiếm giữ thị phần.
Ngoài những chi phí trên, còn các chi phí như lưu kho lưu bãi, vận chuyển bốc xếp… để tạo thành giá thành của một sách giáo khoa.
Vấn đề đặt ra là, giá thành của sách giáo khoa theo Chương trình 2018 đã được các đơn vị thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa đã tính đúng và đủ hay chưa, thì lại chưa được Đoàn giám sát đả động đến. Việc thanh tra, kiểm tra giá cả của bất cứ một hàng hóa nào bán trên thị trường cũng đều phải thanh kiểm tra giá thành sản phẩm của mặt hàng đó.
Theo tìm hiểu của người viết bài này, giá bán sách giáo khoa được xác định theo công thức sau: “Giá thành toàn bộ của sản phẩm + lợi nhuận dự kiến (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + thuế giá trị gia tăng”. Thuế khác (nếu có), được thực hiện theo khoản 1 Điều 10 Thông tư 25/2014/TT-BTC. Riêng sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt nên trước khi niêm yết giá bán, doanh nghiệp phải lập phương án về giá, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thiết nghĩ đây là vấn đề mà Đoàn giám sát của Quốc hội cần xem xét một cách kỹ lưỡng.
Việc xem xét một cách chi tiết và kỹ lưỡng từ khâu xác định giá thành đến khâu xác định giá bán của một loại mặt hàng bị thời giá chi phối là vô cùng quan trọng. Nó chẳng những chỉ đưa ra một số liệu chênh lệch giá để báo cáo cấp trên, mà còn giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ nguyên nhân nào đã tạo ra một sự chênh lệch giá như vậy. Nếu sự chênh lệch giá ấy là hợp lý vì những lý do như giá vật tư, giá nhân công, và các yếu tố cấu thành giá thành sản phẩm tăng, dẫn đến giá bán phải tăng hợp lý theo quy luật của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì cần được công bố công khai, minh bạch để an dân. Nếu phát hiện những sai phạm thì cần kịp thời yêu cầu các cơ quan vào cuộc để sớm khắc phục, đảm bảo minh bạch, công bằng và công khai.
Lấy một ví dụ, về số tiền phụ huynh học sinh phải bỏ ra để mua một bộ sách giáo khoa lớp 4 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì thấy. Bộ sách lớp 4 này có giá là 230.000 đ, trong khi trước đó, bộ sách giáo khoa lớp 4 năm 2006 chỉ có 87.000 đ. Nhưng cơ cấu tạo nên giá thành của hai bộ sách này không hề giống nhau. Ngoài các yếu tố về giá cả vật tư, nhân công, điện nước, chi phí bốc xếp vận chuyển… là các yếu tố tạo nên giá thành có sự khác biệt giữa hai bộ sách ra, thì quy cách, số trang, số quyển in màu và không in màu, chất lượng giấy mực cũng tạo nên giá thành sản phẩm khác nhau.
Sách giáo khoa lớp 4 năm 2006 có 8 môn học, với tổng số 9 quyển sách; tổng số trang là 1.084; màu ruột, có 7/9 quyển in 4 màu 2/9 quyển in 2 màu; khổ sách 17×24; không có sách giáo khoa cho 3 môn HĐTN, GDTC, tin học.Trong khi đó giáo khoa 2018 có 11 môn học; có 13 quyển sách/bộ; số trang là 1.268 trang’ in màu ruột 9/9 quyển in 4 màu; khổ sách 19 x 26,5
Một bộ sách giáo khoa lớp 8 năm 2006 có tổng số 10 môn học, có 12 quyển sách; tổng số trang là 1.856 trang; màu ruột sách có 3/12 quyển in 4 màu, 4/12 quyển 2 màu, 5/12 quyển in 1 màu; khổ sách 17cm x 24 cm; không có sách 3 môn HĐTN, GDTC,tin học. Giá bán cả bộ sách này là 135.000 đ. Còn bộ sách lớp 8 Chương trình 2018, với tổng môn học là 11; có 13 quyển sách, số trang ruột 1.524; màu ruột 13/13 quyển 4 màu; khổ sách 19 x 26, 5.
Một điều hoàn toàn khác biệt mà bất kỳ đoàn giám sát hay thanh, kiểm tra nào cũng cần lưu ý là, hiện nay có ba bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn học được đưa vào sử dụng, thì hai bộ sách của doanh nghiệp nhà nước, làm bằng vốn nhà nước; chỉ có một bộ sách là của doanh nghiệp tư nhân, làm bằng tiền túi tư nhân. Vì vậy, cơ sở để xác định giá thành sản phẩm của hai doanh nghiệp này cũng khác nhau. Một bên sử dụng vốn và tài sản nhà nước, như nhà văn phòng, hệ thống kho bãi và có thể còn có sự khác biệt về lãi vay ngân hàng. Một bên là tư nhân, từ văn phòng đến hệ thống kho bãi và các nguồn lực khác đều không được sự hỗ trợ hay ưu đãi nào cửa Nhà nước.
Có thể nói, việc Quốc hội đưa sách giáo khoa vào diện phải được giám sát là phù hợp với nguyện vọng của cử tri cả nước. Tuy nhiên, công việc giám sát cần phải căn cơ, các kết quả được Đoàn giám sát công bố cần nêu ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, để vừa đảm bảo sự minh bạch, công bằng vừa giúp tìm ra giải pháp hạ giá sách giáo khoa như mong muốn của cử tri. Có như vậy mới không để dư luận xã hội băn khoăn vì những thông tin một chiều mang tính so sánh cơ học gây nên.
Hy vọng rằng còn nhiều vấn đề khác liên quan đến công việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ được Đoàn giám sát quan tâm, có những đáp án đúng để cử tri cả nước yên tâm, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công công cuộc cải cách giáo dục toàn diện mà Nghị quyết 29/2013 của Đảng và Nghị quyết 88/2014/QH14 đã đề ra.
Đào Quốc Vịnh