Hà NộiBốn diễn giả chia sẻ kinh nghiệm học từng kỹ năng để đạt điểm cao, đặc biệt là nghe và viết, trong bài thi IELTS.
Sự kiện diễn ra hôm qua với phát biểu của các thầy Đặng Trần Tùng, Vũ Hải Đăng, Luyện Quang Kiên, cô Trương Hải Hà. Hội trường lớn của Học viện Ngân hàng gần như kín chỗ với khoảng 800 học sinh, sinh viên tới nghe.
Bốn diễn giả cùng thảo luận về việc tại sao nhiều người dành thời gian luyện Nghe nhưng kết quả không cải thiện và không nghe được người bản ngữ nói gì.
Theo cô Hà, giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, có ba yếu tố, trong đó có nhận biết “connected speech”, tức là tiếng Anh nói theo một chuỗi liên tục, giống như cách người bản xứ giao tiếp hàng ngày.
Khi các từ được nối với nhau, chúng được phát âm khác với khi đứng một mình. Trong “connected speech”, một số từ hoặc âm bị nuốt, cụm từ được nói cùng nhau, và các từ quan trọng được nhấn trong khi từ chức năng được giảm lược. Do đó, người nghe không phải bản ngữ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cô Hà lấy ví dụ “meet you”. Khi đọc riêng lẻ từng từ, hai từ này có phiên âm là /mi:t/ và /ju:/ nhưng khi nối âm, chúng được dọc thành /mi tʃu/, do âm /t/ kết hợp với /j/ thành /tʃ/.
“Sự tập trung cũng ảnh hưởng tới khả năng nghe. Mỗi lần làm bài nghe liên tục 30-35 phút, khả năng tập trung của chúng ta bị căng ra, quá giới hạn bình thường khiến nghe tài này ra tai khác”, giáo viên từng đạt 9.0 IELTS với không kỹ năng nào dưới 8.5 giải thích.
Ở kỹ năng Nghe, thầy Tùng thừa nhận đây là kỹ năng trừu tượng, không đơn thuần “practice makes perfect” (có công mài sắt có ngày nên kim). Thầy giáo từng 6 lần đạt 9.0 IELTS chia sẻ cải thiện kỹ năng này qua việc hát rap.
Với thầy Kiên, người Việt Nam đầu tiên đạt điểm tuyệt đối cả 4 kỹ năng, cách tốt nhất là nghe và xem nhiều. Thầy Kiên cho hay bản thân đạt tới khả năng nghe là hiểu khoảng một năm sau khi tiếp xúc với tiếng Anh tương đối nhiều, chủ yếu xem phim hoặc show truyền hình.
“Tôi dành 5-6 tiếng/ngày xem phim và 30 phút đọc truyện. Tôi đọc những gì mình thích và ngang trình độ”, thầy Kiên nói.
Khi nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, thầy biết đến tốc độ phản xạ với một từ. Nếu mới gặp từ nào đó 1-2 lần, bạn không thể kỳ vọng có thể nhận ra luôn. Nhưng khi gặp nó đủ nhiều qua cả đọc và nghe, lúc đấy sẽ tăng độ nhận diện và biết đó là từ gì.
Việc nghe và đọc được thầy Kiên rèn luyện hàng ngày, với lĩnh vực cần phải tìm hiểu hoặc yêu thích. Thích tâm lý và vật lý, thầy giáo 9X hay xem những kiến thức liên quan tới lĩnh vực này trên YouTube hoặc kênh có phụ đề.
Theo thầy Kiên, tắt phụ đề (sub) khi nghe là cực đoan, phản tác dụng vì nếu nghe không hiểu, bạn sẽ không có bất cứ manh mối hay công cụ nào để biết đoạn mình không nghe ra là gì. Thầy Kiên từng thử cách tắt phụ đề và nhận thấy cả quãng thời gian nghe sau đó không tác dụng.
“Có sub, bạn sẽ biết đoạn này hóa ra là từ đó hay chỗ đấy người nối âm, biến âm và dần dần rút kinh nghiệm. Khi quen hẳn, tôi đã nghe được rõ hơn rất nhiều, gần như không phải chú ý đến sub mà vẫn có thể hiểu tốt”, anh cho hay.
Để sub lúc nghe cũng là cách thầy Đăng (9.0 Writing) áp dụng. Thầy thường gợi ý cho học sinh trang web có bài diễn văn về các tổng thống.
“Ví dụ bật phụ đề bài diễn văn của Ivanka Trump, con gái tỷ phú Trump, nói về bố mình trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống. Bài đấy bạn nghe nhưng thực ra đang đọc”, thầy Đăng nói, cho biết để viết ra một bài phát biểu có sự tinh túy về ngôn ngữ như vậy, đội ngũ phụ tá phải đọc nhiều cuốn sách.
Việc học Nghe không thể tách rời việc Đọc. Phương pháp của thầy Đăng là đọc chậm, đọc để hiểu được. Muốn hiểu, người học phải tra từ điển nhiều, tự tìm hiểu, sau đó hỏi thầy, cô.
“Khi đã hiểu rồi, bạn không giống như người học ngôn ngữ nữa mà như một người có thể đánh giá được bài đọc đó hay hay không. Mức độ này vô tình cho thấy bạn có sự tiến bộ trong con đường học tập của mình”, thầy Đăng phân tích.
Trong bốn kỹ năng IELTS, Viết được đánh giá khó nhất. Từng hai lần đạt 9 kỹ năng này, thầy Kiên khuyên nếu trình độ dưới 6, người học nên tập trung vào ngữ pháp. Bài viết IELTS không có nhiều lỗi ngữ pháp đã đủ mạch lạc để giám khảo chấm điểm 6.
Khi ngôn ngữ đã tạm ổn, biết cách triển khai ý hơn, bạn tập trung nhiều vào lập luận tốt để có mức điểm 6-7.5. Từ 7.5 đến 9, yếu tố quan trọng nhất là từ vựng. Từ vựng phải đủ tinh tế để làm cho ý sâu hơn và câu trôi chảy, mượt mà.
“Muốn cải thiện Viết, người học cần đọc nhiều để có đầu vào tốt mới có kiến thức để sản sinh các ý”, thầy Kiên nói.
Trần Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng, tâm đắc với những kinh nghiệm học tiếng Anh của các diễn giả.
“Buổi chia sẻ rất hữu ích. Em học được ba cách để cải thiện tiếng Anh, gồm học như một đứa trẻ, chia sẻ với mọi người kiến thức mình học được và ăn mừng chiến thẳng nhỏ”, Linh nói.
Ban đầu em cũng ép mình học và thấy IELTS nhàm chán nhưng sau khi nghe thầy cô tư vấn, em cần thay đổi cách học.
Phú Xuân, sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đến ngày hội vì muốn gặp gỡ các cao nhân và học hỏi thêm kinh nghiệm.
“Các diễn giả rất chuyên nghiệp. Em dự định trong vòng một năm nữa sẽ thi IELTS”, Xuân nói.
Được tổ chức từ năm 2016, ngày hội tiếng Anh là sự kiện thường niên của The IELTS Workshop nhằm cổ vũ và hỗ trợ giới trẻ học tiếng Anh.
Bình Minh