Linh hoạt tín dụng theo nhu cầu
Giữa tháng 10/2023, Sở Xây dựng Tp.HCM đang triển khai các thủ tục để chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo nhiều gói tín dụng khác nhau.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, chủ đầu tư và người mua nhà được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ, có lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước. Hiện Tp.HCM có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn, trong đó có 3 dự án là nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Tp.HCM và Quỹ phát triển nhà Tp.HCM cũng đang triển khai các chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp hưởng lương từ ngân sách.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Tp.HCM, mức cho vay tối đa 70% dự toán xây dựng, sửa chữa nhà và không vượt quá 500 triệu đồng. Lãi suất do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ. Riêng năm 2022, lãi suất của chương trình là 4,8%/năm. Thời gian vay tối đa 25 năm kể từ khi giải ngân khoản vay đầu tiên. Trong khi đó, Quỹ phát triển nhà Tp.HCM được vay tối đa 70% giá trị căn nhà nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ, lãi suất 4,7%/năm và thời gian vay tối đa 20 năm.
Theo báo cáo quý 3/2023 của Sở Xây dựng Tp.HCM, Tp.HCM đặt mục tiêu đạt 93.000 căn hộ nhà ở xã hội vào 2030. Nhưng tính đến năm 2023, Tp.HCM mới chỉ có khoảng 15.000 căn tại 19 dự án. Trong thời gian tới, địa phương sẽ phải tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung giải quyết các khó khăn khi triển khai các dự án vướng mắc về đền bù giải tòa mặt bằng, rà soát lại những dự án cũ để gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án mới được thực hiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện thể chế luật pháp về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận xét, mức lãi suất trong gói 120.000 tỷ đồng là chưa phù hợp.
“Cần phải ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất thấp (quy định hiện nay là 4,8%-5%/năm) và được vay dài hạn (quy định hiện nay là tối đa 25 năm) là chính sách chủ yếu, quan trọng nhất trong các chính sách về nhà ở xã hội. Cho vay ưu đãi nhà ở xã hội từ nay đến năm 2025 để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030”, ông Châu nói.
Nút thắt chính sách, thủ tục hành chính
Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung nỗ lực xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, quy định hiện hành yêu cầu người thuộc diện được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và mức thu nhập. Trong đó, điều kiện về cư trú là phải có đăng ký thường trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội hoặc đăng ký tạm trú từ một năm trở lên. Đối tượng mua cũng không được thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức lương không quá 11 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Trần Việt Cường, đại diện Công ty CP Thủ Thiêm cho biết, thực tế có rất nhiều khách hàng thuộc các nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội liên hệ công ty để tìm hiểu về dự án. Tuy nhiên có rất ít hồ sơ hoàn thành đạt yêu cầu. Ngoài khó khăn khi phải đáp ứng 3 yêu cầu về nhà ở, cư trú và thu nhập, khách hàng cần phải chứng minh là đang làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Tp.Thủ Đức, nên có rất ít người đạt yêu cầu.
Vì vậy chủ đầu tư cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cho mở rộng đối tượng. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội để bán được triển khai trong thời gian qua còn quá ít dự án ra thị trường.
Còn ông Lê Nguyễn Minh Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư, căn hộ Nam Long chia sẻ, thủ tục mua bán nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, khó khăn hơn nhà ở thương mại tạo rào cản cho chủ đầu tư tiếp cận loại nhà ở xã hội.
“Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận sử dụng căn hộ nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn về tiền sử dụng đất, phê duyệt giá bán nhà ở xã hội. Khi triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội, một số chi phí chưa được tính đúng, tính đủ vào giá bán nhà ở xã hội như chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo,…”, ông Quang nêu.
Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Lê Thành cũng cho rằng, điều này dẫn đến việc nhà ở xã hội rất khó để giảm giá bán.
“Vấn đề cần quan tâm là hiện nay lương của người Việt Nam đang rất thấp mà giá nhà tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những người công nhân, người có nhu cầu thật. Việc sở hữu nhà đối với họ sẽ càng trở nên khó khăn hơn và gần như không đủ khả năng để mua”, ông Thành phân tích.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam chỉ ra, đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, đặc biệt là người lao động tại các khu đô thị lớn, có thu nhập ổn định từ lương thì các khó khăn, tồn tại sẽ khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều. Chẳng hạn như giá bất động sản vẫn cao, vượt quá năng lực vay nợ và khả năng chi trả thông thường, trong khi nguồn nhà ở xã hội không dễ cải thiện trong thời gian ngắn.
Theo ông Nguyễn Như Khánh, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, hiện nhiều dự án nhà ở xã hội đang phải tạm dừng do vướng thủ tục khi chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.
“Chưa kể việc quy định lãi mà một dự án nhà ở xã hội đem lại cho doanh nghiệp không vượt quá 10% chi phí đầu tư đối với giá bán nhà và không vượt quá 15% đối với giá thuê mua nhà đã làm cho lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp”, ông Khánh cho hay.