Giới chuyên gia nước ngoài lạc quan vào triển vọng bán thêm nhiều khí hóa lỏng (LNG) cho Việt Nam trong các dự báo gần đây.
Theo CNBC, các nhà quan sát ngành năng lượng dự kiến Đông Nam Á sẽ là động lực chính cho thị trường LNG cuối thập kỷ này. Tony Regan, Trưởng bộ phận khí đốt châu Á – Thái Bình Dương công ty tư vấn năng lượng và lọc dầu NexantECA dự kiến nhu cầu LNG từ châu Âu sẽ đạt đỉnh vào 2027, trước khi giảm vào năm 2030, thời điểm khách hàng Đông Nam Á nổi lên.
“Đó là lúc tôi nghĩ hoạt động sẽ tập trung ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia”, Tony Regan nói. Theo ông, Việt Nam là một điểm sáng cho thị trường LNG, phần lớn là do Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch này, đến 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nội địa là 150.489 MW. Trong đó, công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW, chiếm 14,9%.
“Nhu cầu sẽ tăng trưởng rất mạnh trong vài năm tới vì 13 trong số các nhà máy điện mới được đề xuất trong quy hoạch sẽ sử dụng LNG và 10 nhà máy khác cũng sử dụng khí đốt. Vì vậy, điều đó sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ về năng lượng từ Việt Nam”, Regan dự báo.
Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) của Đại học Columbia (Mỹ) cũng đánh giá Việt Nam từ lâu là thị trường tăng trưởng LNG quan trọng do “tăng trưởng dân số và kinh tế mạnh mẽ”. S&P Global ước tính GDP Việt Nam sẽ tăng từ 327 tỷ USD vào năm 2022 lên 760 tỷ USD vào năm 2030.
Tập đoàn Shell (Mỹ) cho biết đã chứng kiến “sự tăng trưởng vượt bậc” trên thị trường LNG trong hai tháng qua. Họ chỉ ra 3 quốc gia sẽ là động lực chính, với 2 trong số đó đến từ Đông Nam Á. “Chúng tôi đã cung cấp cho ba quốc gia mới là Đức, Việt Nam và Philippines và tất cả đều là những thị trường LNG tiềm năng rất quan trọng”, Steve Hill, Phó chủ tịch điều hành Shell Energy, cho biết.
Ít nhất kể từ năm 2017, chính phủ Việt Nam đã đưa việc nhập khẩu LNG vào quy hoạch năng lượng, công bố các dự án cho 5 trạm nhập khẩu LNG và hơn 10 nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu LNG. Tuy nhiên, những kế hoạch đã không thành hiện thực cho đến năm 2019, khi PV Gas – công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khởi công xây dựng kho cảng LNG Thị Vải.
Mới hồi tháng 5/2023, PV Gas ký hợp đồng nhập khẩu chuyến LNG đầu tiên với Shell đến Việt Nam. Để nhập khẩu, PV Gas đã hoàn thành dự án kho cảng LNG Thị Vải, đã được Bộ Công Thương cấp chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG.
LNG Thị Vải là hiện kho LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam, công suất giai đoạn một là một triệu tấn mỗi năm, sau đó mở rộng lên 3 – 6 triệu tấn mỗi năm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp, cũng như bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2023, theo PV Gas.
Ngoài PV Gas, một số công ty nước ngoài cũng bắt đầu tham gia lĩnh vực LNG tại Việt Nam. Đơn cử Delta Offshore Energy (DOE) có kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng 4 tỷ USD, công suất 2,5–3 MTPA ở tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, dự án chưa khởi công do còn một số vướng mắc.
AES (Mỹ) đã thành lập liên doanh với PV Gas để xây dựng và vận hành kho cảng LNG Sơn Mỹ tại Bình Thuận. Ngoài ra, ExxonMobil và JERA Nhật Bản đang hợp tác trong một dự án tích hợp sản xuất điện từ LNG ở miền Bắc Việt Nam.
Theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp khí, ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu khoảng 8 tỷ m3 LNG vào năm 2030 và 15 tỷ m3 vào năm 2045.
CGEP cho rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á mua LNG thông qua kết hợp giữa các hợp đồng dài hạn và giao ngay. Vì vậy, Việt Nam nhiều khả năng cũng đi theo con đường tương tự. Nhưng cho đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia dựa vào nguồn cung cấp LNG giao ngay, đặc biệt là ở châu Âu, để mua khí đốt.
Dỹ Tùng