Lễ hợp long được tổ chức tại vị trí nhịp chính giữa cầu Mỹ Thuận 2, thuộc phường Tân Hòa, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của các nhà thầu, đơn vị thi công đã vượt qua khó khăn để hoàn thành cầu trước thời hạn. Mặc dù, cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp, giá nguyên liệu tăng cao và trong điều thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng ta tự hào rằng đây là cây cầu của Việt Nam, được làm từ nguồn vốn của đất nước, thiết kế, thi công, giám sát bằng chính những đơn vị trong nước nhưng chúng đã hoàn thành tốt công trình.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2, có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, khởi công tháng 3/2020, tổng chiều dài 6,61 km do Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư. Công trình có điểm đầu nối cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Cấp đường phục vụ ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Giai đoạn đầu, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía tỉnh Tiền Giang 17 m, lệch phía phải tuyến tương tự như Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Phía bờ tỉnh Vĩnh Long, bề rộng nền đường 25 m, đồng bộ với bề rộng mặt cầu. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe, bề rộng nền đường khoảng 32 m.
Phần cầu chính dài 1,906km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy 25m; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cầu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m.
Cầu Mỹ Thuận 2 song song với cầu Mỹ Thuận hiện hữu là công trình trọng điểm khu vực Tây Nam bộ. Dự án khi hoàn thành sẽ khép kín tuyến đường bộ cao tốc nối từ Tp.HCM đi Cần Thơ, giúp giải tỏa – kết nối giao thông vùng và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến vùng lõi kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu tạo bứt phá kinh tế – xã hội, và quốc phòng – an ninh cho vùng ĐBSCL.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào khai thác vào cuối năm 2023 sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng ĐBSCL. Dự án khi đưa vào sử dụng giúp hoàn thiện cao tốc từ Tp.HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh vùng ĐBSCL. Công trình còn giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1.
Sau khi hợp long, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe dự án vào cuối năm 2023, đảm bảo chất lượng công trình và phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư.
Tại ĐBSCL, có 3 cầu quy mô lớn được sự quan tâm từ Trung ương là: Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang – Vĩnh Long), cầu Rạch Miễu (Tiền Giang – Bến Tre) và cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng – Trà Vinh), với tổng mức đầu tư hơn 18.200 tỷ đồng.
Trọng Nghĩa