Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị về nội dung: Hiện nay, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân được áp dụng phương án 6 bậc. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng thống nhất 1 phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và lợi ích của người dân. Kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt cho người dân theo hướng quy định thống nhất 1 bậc.
Về nội dung này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ Công Thương đã nghiên cứu các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt và đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan thuộc Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Trong năm 2020, trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị và đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 88/BC-BCT ngày 2/10/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Ngày 22/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8807/VPCP-KTTH về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi.
Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuê tư vấn có kinh nghiệm nghiên cứu, cập nhật số liệu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Ngày 24/1/2022, EVN có Công văn số 404/EVN-TCKT gửi Bộ Công Thương báo cáo về Đề án “Hoàn thiện cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho ngành điện Việt Nam”. Trong đó, về việc cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt, EVN và Tư vấn đã đề xuất các phương án cải tiến trên cơ sở rút gọn 6 bậc hiện hành thành 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc, trong đó cả 3 phương án đều thực hiện điều chỉnh lượng điện sử dụng của bậc 1 từ 50 kWh lên 100 kWh; lượng điện sử dụng của các bậc sau được điều chỉnh với độ giãn cách lớn hơn để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.
Trong các năm 2021, 2022, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có thể tác động đến chi phí tiền điện của một số nhóm khách hàng sử dụng điện do việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân được duyệt (không phải là việc tăng giá bán lẻ điện bình quân) nhưng sẽ có một số nhóm khách hàng phải tăng giá điện và ngược lại sẽ có một số nhóm khách hàng được giảm giá điện ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, ngày 1/3/2022, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 29/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2022.
Bộ Công Thương cho rằng, việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ có tác động rất lớn đến các nhóm khách hàng sử dụng điện nên cần có nghiên cứu, phân tích một cách cẩn trọng. Vì vậy, trong tháng 10/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan thuộc Quốc hội, các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg theo trình tự quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.