Sáng nay (14.10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 23.10.2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29.11.2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt.
Kỳ họp thứ 6 là Kỳ họp cuối năm đồng thời cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khối lượng rất lớn về công tác lập pháp và giám sát.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa, sáng 14.10. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Về lập pháp, tại kỳ họp thứ 6, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến 8 dự án luật.
Đây là số lượng các dự án luật và dự thảo Nghị quyết có tính chất như luật cao nhất được trình tại một kỳ họp của Quốc hội, trong đó, có những dự án Luật rất lớn và khó như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…
Về các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác: Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự buổi tiếp xúc cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Cùng với đó, Quốc hội xem xét đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số nội dung quan trọng khác theo quy định của pháp luật.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác tư pháp của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.
Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 14.10. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.
Quốc hội cũng sẽ dành ít nhất 2,5 ngày để tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội. Đây là lần lấy phiếu duy nhất trong nhiệm kỳ và cũng là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng.
Laodong.vn