Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa ra thông cáo về kết luận của Ban giám đốc điều hành IMF về Đợt tham vấn Điều IV năm 2023 với Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng do nhu cầu nước ngoài sụt giảm kể từ cuối năm 2022. Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng do nhu cầu nước ngoài sụt giảm kể từ cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Sức ép thanh khoản, ngoại hối và lạm phát dịu bớt, nhưng tăng trưởng giảm tốc đáng kể và dự kiến chậm lại, xuống mức 4,7% năm 2023.
Lạm phát nhiều khả năng vẫn được kiểm soát và Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao về trung hạn, với sự hỗ trợ của các cải cách cơ cấu.
Do còn nhiều không gian tài khóa, trong khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần thiết. Trong bối cảnh này, kế hoạch của các cơ quan chức năng cần được thực hiện nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
IMF khuyến nghị cần củng cố khuôn khổ tài khóa và quy trình lập ngân sách, tăng thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đầy tham vọng. Các cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả rủi ro lạm phát, nhưng chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và dư địa chính sách còn hạn chế.
IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính, xóa bỏ dần các quy định cho phép gia hạn nợ, nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ và xử lý nợ xấu gia tăng.
Việt Nam tập trung cải cách cơ cấu và cải cách khí hậu nhằm đạt được tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững. Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng trọng yếu và đầu tư vào nguồn vốn con người.