Chợ ế !
Trên địa bàn TP Quy Nhơn hiện có 27 chợ với hơn 3.800 sạp, ki ốt. Từ đầu năm đến nay, nhiều tiểu thương phản ánh, sức mua giảm sâu, một số ki ốt vắng khách và bỏ trống. “Ế quá… Ế ẩm quá chừng!” là lời than phổ biến của bà con tiểu thương khi được hỏi thăm về tình hình kinh doanh.
Dạo một vòng các chợ ở TP Quy Nhơn như chợ Đầm, chợ khu VI, chợ Lớn mới.., nét chung là gần như chỉ các sạp kinh doanh tạp hóa, đồ khô, thực phẩm tươi sống là còn có đôi chút sinh khí, có khách đến mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, bán hải sản tươi sống ở chợ Sân bay, cho biết: Chợ ế ghê lắm, khách đi mua giảm mạnh, chỗ có người đến mua thì sức mua cũng giảm mạnh. Mọi năm, tầm này mỗi ngày tôi bán cả trăm cân hải sản nhưng nay chỉ còn 20 – 30 kg, mà bán rất chậm. Tôi bán hải sản ở chợ gần 20 năm, chưa lúc nào sức mua giảm như thế này. Khó khăn là vậy nhưng tôi cũng như nhiều tiểu thương khác vẫn cố bám chợ kiếm sống vì nghỉ thì cũng không biết làm gì khá hơn, tình hình chung là vậy thôi.
Đến chợ Lớn mới, nơi chuyên bán sỉ các loại nông sản, điều bất ngờ là sự yên tĩnh bất thường bởi có quá ít người đến mua bán; vắng khách nhất có lẽ là những gian hàng rau, củ quả. Bà Trần Thị Thuận, chủ một sạp nông sản, chia sẻ: Trước đây, hằng ngày, tôi phải đến chợ từ khoảng 4 – 6 giờ sáng mới có đủ thời gian chia hàng cho các mối sỉ và lẻ, số này chiếm chừng 80% lượng hàng. Sau đó lai rai bán lẻ đến tầm 11 giờ là tôi nghỉ. Giờ đây tôi phải ở chợ bán cả ngày mới mong hết hàng, mà đó là chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái. Hàng nông sản bán không hết dễ hư hỏng, hao hụt nên không dám lấy nhiều, từ đầu năm đến giờ hàng nhập vào chỉ thấy giảm dần chứ không tăng lên.
Chợ Lớn mới không có khách, nhiều tiểu thương ngồi nói chuyện với nhau (ảnh chụp vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 14.4). Ảnh: HẢI YẾN |
Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống rơi vào tình trạng ế ẩm, lãi thấp nhưng dù sao vẫn còn khách tới lui; những người kinh doanh vải, quần áo, giày dép, mỹ phẩm… còn khó khăn hơn bội phần. Đến khu vực chuyên bán ngành hàng này ở các chợ, hình ảnh phổ biến là chị em tiểu thương ngồi tán gẫu, nghịch điện thoại và … hát karaoke ngay tại ki ốt cho đỡ buồn vì cả ngày không có khách.
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ sạp quần áo ở chợ Đầm, kể: Nguyên một tuần qua tôi chỉ bán được đúng 4 món, mà vậy còn đỡ chứ nhiều chị em còn không bán được món nào. Chợ ế, không có khách mua nhưng tôi vẫn cứ phải tới chợ mở cửa thường xuyên, xới lên, xếp lại để kiểm lại áo quần và chống ẩm mốc, hư hỏng. Không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ. Hàng bán chậm, tồn nhiều, lỗi mốt thì càng về sau càng khó bán hơn!
Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng chuyển dần sang mua hàng trực tuyến và xu hướng này ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các chợ càng thêm vắng khách. Hơn nữa, do các ứng dụng mua sắm trực tuyến, sàn thương mại điện tử phát triển mạnh, phương thức mua bán, thanh toán qua các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng phong phú, đa dạng, dễ dùng càng khiến chợ truyền thống thêm vắng khách.
Ông Trần Thanh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý chợ khu VI, cho biết: Chợ có 470 sạp kinh doanh đủ các ngành hàng. Lượng khách đến chợ chủ yếu mua thực phẩm tươi sống. Doanh thu của tiểu thương kinh doanh mặt hàng tươi sống giảm 30 – 50%, còn mặt hàng khác giảm mạnh hơn. Ban Quản lý chợ đã xem xét hỗ trợ cho nhiều tiểu thương khó khăn như giảm tiền thuê lô sạp, hỗ trợ trả chậm; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí các khu buôn bán hợp lý, thuận tiện; nêu cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường của tiểu thương để thu hút khách hàng; hỗ trợ áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… nhưng đến nay kết quả rất hạn chế, tình hình kinh doanh cải thiện không nhiều. Chợ khu VI được xây dựng từ năm 1996 đến nay đã quá cũ. Thiết nghĩ, để tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát xung quanh các chợ; nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm…
Từ năm 2021, UBND TP Quy Nhơn đã có đề án nâng cấp 5 chợ (chợ Đầm, chợ khu VI, chợ Sân Bay, chợ Nhơn Lý, chợ Nhơn Hải) với tổng kinh phí đầu tư trên 23 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 9 tỷ đồng, còn lại đối ứng từ nguồn xã hội hóa. Nhưng đến nay mới chỉ triển khai ở chợ Sân Bay.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Quốc An Bình Định, Công ty quản lý chợ Sân Bay từ năm 2022. Sau khi sửa chữa chợ khang trang hơn, công ty bố trí lại mặt bằng kinh doanh các ngành hàng hợp lý hơn. Tuy nhiên từ đầu đến nay, chợ vắng khách, số lượng sạp nghỉ bán ngày càng nhiều. Ban quản lý mở fanpage đi chợ trực tuyến, phối hợp với các tiểu thương chuyển dần một phần kinh doanh lên không gian trực tuyến, song do nhiều tiểu thương đã lớn tuổi, quen giao dịch truyền thống nên mức độ thay đổi rất hạn chế.
Trong bối cảnh sức mua vẫn ở mức thấp, người tiêu dùng tiếp tục siết chặt chi tiêu, cân nhắc nhiều hơn, gần như chỉ chi cho khoản tiêu dùng thiết yếu, thì hình ảnh chợ ế, chợ vắng khách sẽ còn kéo dài, thậm chí có nơi còn rơi vào cảnh “người bán đông hơn người mua”.
HẢI YẾN