Lỗ gần 1 triệu đồng/lượng
Ngày 12/10 là phiên đáng nhớ của thị trường vàng trong nước khi giá vàng SJC tăng mạnh, tăng khoảng 500.000 đồng/lượng, vượt qua mốc 70 triệu đồng/lượng và lập kỷ lục của năm 2023. Tại một số cửa hàng, giá bán ra lên tới 70,35 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, bước sang ngày 13/10, dù giá vàng thế giới vẫn đi ngang, giá vàng SJC lại bất ngờ giảm sâu khiến người mua vào vàng hôm qua đã lỗ ngay gần 1 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, từ đầu giờ sáng 13/10, Tập đoàn Doji đã điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 150.000 đồng/lượng xuống 69,35 triệu đồng/lượng – 70,20 triệu đồng/lượng. Mốc 70 triệu đồng/lượng vẫn được duy trì ở chiều bán ra.
Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giảm 180.00 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá vàng SJC đang được giao dịch ở mức: 69,42 triệu đồng/lượng – 70,15 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ, giá vàng SJC còn có tốc độ đi lùi mạnh hơn khi giảm 250.000 đồng/lượng xuống chỉ còn 69,40 triệu đồng/lượng – 70,10 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, giá vàng SJC đã giảm từ 150.000 đồng/lượng tới 250.000 đồng/lượng. Cộng thêm chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra lên tới 800.000 đồng/lượng – 900.000 đồng/lượng, chỉ sau một đêm, người mua vào vàng đã lỗ khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC có tốc độ giảm nhẹ hơn. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long giảm hơn 100.000 đồng/lượng xuống 56,68 triệu đồng/lượng – 57,58 triệu đồng/lượng. Công ty PNJ niêm yết giá vàng PNJ ở mức: 56,60 triệu đồng/lượng – 57,60 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phục hồi sau khi điều chỉnh giảm
Giá vàng SJC giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới lấy lại đà tăng sau khi điều chỉnh nhẹ.
Cụ thể, đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng giảm khi lãi suất đồng đô la và trái phiếu kho bạc tăng cao sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9 và làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giữ lãi suất cao hơn trong một thời gian.
Giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.868,59 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 9 trước đó trong phiên. Hợp đồng tương lai vàng của Mỹ chốt ở mức thấp hơn 0,2% ở mức 1.883 USD.
Bộ Lao động cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng 0,3% trong tháng 8. Tuy nhiên, giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước đã giảm từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6 năm 2022.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Chỉ số CPI ấm có thể đủ để làm chậm đà tăng mạnh mẽ của vàng thành sự củng cố nhưng bản thân nó sẽ không gây ra một đợt bán tháo nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị cao”.
Theo công cụ CME Fedwatch, các nhà giao dịch hiện nhận thấy xác suất FED tăng lãi suất vào tháng 12 là 38%, so với khoảng 28% khả năng được thấy trước báo cáo. Lợi suất trái phiếu 10 năm chuẩn của Mỹ và chỉ số đồng đô la tăng sau dữ liệu này.
Để hỗ trợ cho vàng trú ẩn an toàn, cuộc xung đột leo thang giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas của Palestine đã khiến các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc.
Vàng được sử dụng như một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
“Vẫn còn một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, điều này sẽ có lợi cho vàng. Tôi dự đoán giá có thể giao dịch trong phạm vi 1.860 – 1.920 USD trong thời gian tới” – Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết.
Trong khi đó, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống còn 21,79 USD/ounce, bạch kim giảm 2,2% xuống còn 865,87 USD, trong khi palladium giảm 2,9% xuống còn 1.132,75 USD.
Tới phiên giao dịch sáng 13/10, tại thị trường châu Á, giá vàng đồng loạt phục hồi. Hiện tại, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.873,1 USD/ounce, tăng 4,6 USD/ounce.