Doanh nhân Việt đã kiên cường vượt bão, viết nên những câu chuyện diệu kỳ trong phát triển vượt bậc…
Khó khăn sẽ đánh thức khả năng tiềm ẩn của chính mình
Đó là câu mà ông Lê Duy Toàn, Tổng giám đốc Duy Anh Foods, chia sẻ trên trang cá nhân khi đang tham dự Hội chợ công nghiệp thực phẩm quốc tế Anuga 2023 tại Đức từ ngày 7 – 11.10 vừa qua. Duy Anh Foods là một trong 80 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của VN tham dự hội chợ này. Chủ DN Lê Duy Toàn từng du học ở Mỹ, những tưởng đã thoát được mùi chua chua mỗi khi xay gạo làm bánh tráng từ 4 giờ sáng ở quê nhà Củ Chi (TP.HCM) và mơ về cơ hội định cư tại Mỹ ngày đó, thế nhưng việc bắt gặp gói bánh tráng “made in Thailand” trên kệ siêu thị tại Mỹ đã thay đổi hoàn toàn quyết định sự nghiệp của ông. Ra trường, Lê Duy Toàn quay về nước, bắt đầu sự nghiệp bằng nghề truyền thống của cha ông, sản xuất những sản phẩm khô từ gạo và đĩnh đạc đưa ra nước ngoài.
Cho đến nay, các sản phẩm của Duy Anh Foods đã có mặt trên các quầy kệ siêu thị nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ… Ông Toàn chia sẻ: “Làm doanh nhân thời nào cũng có cái khó của nó, nhưng trong khó khăn mới nhận chân được khả năng tiềm ẩn của mình đến đâu. Sự phẳng lặng có thể là một món quà, hoặc là báo hiệu một cơn bão. Kiếm tiền chưa bao giờ là điều dễ dàng, giữa lúc thế giới khó khăn, mình càng lạc quan, tích cực… sẽ tìm thấy thành quả ngoài mong đợi. Và chúng tôi đã và đang nhìn thấy những tín hiệu lạc quan từ những chuyến đi xa. Đặc biệt là nắm bắt xu hướng tiêu dùng, sự hiểu biết, quan tâm của người tiêu dùng các nước dành cho hàng hóa từ VN. Những điều tích cực có tính chất lan tỏa, đáng tự hào và khích lệ rất lớn”. Lần “gánh” hàng sang dự hội chợ ở châu Âu kỳ này, công ty mang nhiều sản phẩm làm từ gạo như bánh tráng nem, bún tươi, bún rau trộn, ống hút gạo… được đầu tư bao bì kỹ lưỡng và luôn cập nhật nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của thế giới. Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, công ty định hướng từ lâu là nghiên cứu làm sản phẩm theo xu hướng thực phẩm xanh, sạch, bền vững và thân thiện với môi trường. “Chúng tôi tìm thấy nhiều cơ hội để Duy Anh Foods có thể thúc đẩy xuất khẩu rơm rạ tới các đối tác trên toàn thế giới”, ông Toàn nhấn mạnh.
Trước rất nhiều sự lựa chọn như ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất để “bảo toàn số điểm”, các DN đã chọn kiên cường chống đỡ, cố gắng duy trì, đặt điều quan tâm nhất là giữ việc làm cho người lao động, cố gắng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Tôi cho rằng đây là hành động dũng cảm và kiên cường.
Xuất khẩu gạo được đánh giá có nhiều lợi thế trong bối cảnh việc nhiều ngành sản xuất kinh doanh gặp khó khăn như hiện nay. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thừa nhận gạo là ngành gặp nhiều may mắn, có “thiên thời, địa lợi” rất tốt. Thế nên, trong 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo đã mang về kim ngạch vượt cả năm 2022. Nhưng đó chỉ là những con số. Còn “Giá gạo tăng mạnh trong thời gian qua giúp nhà nông hưởng lợi nhiều hơn và đó là mong đợi lớn của chúng ta với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững” mới là điều ông Phạm Thái Bình tâm đắc.
Xuất khẩu gạo có thương hiệu, sản phẩm chế biến trong ngành lương thực thực phẩm… là bước tiến trong ngành xuất khẩu thô nông sản của VN trước đây. Từ Pháp, PGS-TS Ðinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận xét hàng hóa nông sản Việt được chế biến sâu, theo hướng thân thiện môi trường, nằm trên quầy kệ siêu thị tại các thị trường khó tính ngày một nhiều hơn. Ông dùng từ “kiên cường” khi nhận xét về cộng đồng DN Việt đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thương trường quốc tế. Đặc biệt, trong những năm tháng khó khăn, dịch bệnh, nhiều quốc gia đối diện suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị, lạm phát, thất nghiệp…, VN vẫn được đánh giá cao về tính ổn định.
Càng khó khăn, DN Việt càng kiên cường
Nhìn lại lịch sử suốt mấy chục năm qua, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xúc động đánh giá đội ngũ DN, doanh nhân Việt đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu về sự phát triển vượt bậc. Từ chỗ không có tên trên bản đồ kinh tế nước nhà, đến nay VN đã có trên 6 triệu chủ thể kinh doanh, bao gồm 900.000 DN, 5,2 triệu hộ kinh doanh và cả chục triệu doanh nhân đang chèo lái con thuyền kinh tế. Từ một nước nghèo, chỉ được biết đến qua các cuộc chiến tranh, VN đã có những DN mang thương hiệu Việt ra quốc tế, có sức cạnh tranh và có những doanh nhân được ghi tên trong bảng xếp hạng của thế giới. Chỉ riêng khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước. Đáng nói, trong suốt quá trình 1/3 thế kỷ phát triển qua, con đường không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Năm 2008, cộng đồng DN đã phải trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sau đó hơn 10 năm, chúng ta lại hứng chịu cuộc khủng hoảng chưa từng có là cú sốc từ đại dịch Covid-19. Đến nay, ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine chưa qua thì xung đột Hamas – Israel lại bắt đầu.
Theo ông Lộc, sau những cú sốc kinh tế cực mạnh, chúng ta như người khập khiễng đi về tương lai, không còn bứt tốc vượt lên như những cuộc khủng hoảng trước. Đó là còn chưa tính tới những sự kiện mới, rủi ro mới, biến động và thách thức mới. Thế nhưng, với lực lượng DN chủ yếu là nhỏ và rất nhỏ, các DN, doanh nhân VN vẫn kiên cường chống chịu, không chỉ gồng mình duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để “giữ mình” mà còn hướng tới trách nhiệm cao hơn là giữ công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ Chính phủ bình ổn xã hội.
“Trong liên tiếp những cơn bão tố, dù là những con sếu đầu đàn lớn mạnh cũng đã bị bào mòn sức lực. Trước rất nhiều sự lựa chọn như ngừng kinh doanh, thu hẹp sản xuất để “bảo toàn số điểm”, các DN đã chọn kiên cường chống đỡ, cố gắng duy trì, đặt điều quan tâm nhất là giữ việc làm cho người lao động, cố gắng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Tôi cho rằng đây là hành động dũng cảm và kiên cường”, TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
Đánh giá doanh nhân Việt vẫn đang trong cơn bão tố, TS Vũ Tiến Lộc phân tích, kinh tế thế giới dù đã có những tín hiệu được cải thiện nhưng vẫn đang tiếp tục khó khăn. Thị trường xuất khẩu của DN Việt bị thu hẹp. Ở trong nước, sản xuất khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động suy giảm, sức mua thấp, thị trường ảm đạm. Đầu tư nước ngoài không được như kỳ vọng, đầu tư tư nhân yếu. Đầu tư công, dù đã có những xung lực mới, nhưng tốc độ giải ngân vẫn thấp. Ba cỗ máy tăng trưởng chính của nền kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư đều trong trạng thái trì trệ. DN Việt, sau một thời gian gồng mình chống đỡ với đại dịch Covid-19, nay lại tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn mới, thậm chí có mặt còn nặng nề hơn. Vì vậy, yêu cầu phục hồi đối với nền kinh tế và cộng đồng DN Việt không có nghĩa là trở lại trạng thái của ngày hôm qua, mà là thiết lập một trạng thái cân bằng mới cao hơn, với cấu trúc ưu việt hơn. Phục hồi phải đi cùng với nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
“Với yêu cầu đó, vai trò dẫn dắt, mở đường của Nhà nước kiến tạo thông qua việc đột phá cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Thể chế vượt trội, sức mạnh của DN sẽ được phát huy
PGS-TS Đinh Xuân Thảo thì cho rằng với lợi thế có nền chính trị, xã hội ổn định, VN cần tập trung nguồn lực để DN trong nước mạnh lên, có thể cạnh tranh với DN nước ngoài mới là điều quan trọng. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị vừa ban hành là “món quà” mà VN cần chú trọng để có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng. DN trong nước cần tập trung nâng cấp năng lực, đội ngũ lao động, tiếp thu được công nghệ, nhằm đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của đầu tư nước ngoài. Một vài số liệu về kinh tế trong 9 tháng qua cho thấy nền kinh tế của VN trong mặt bằng chung là trụ vững khá “kiên cường” cho dù sản xuất, xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, việc tiếp cận nguồn vốn vay hạn chế… Tuy nhiên, nhìn thẳng vào những khó khăn gây trì trệ để có giải pháp đột phá là cần thiết. Chẳng hạn, tháo gỡ chính sách, cơ hội vay vốn cho ngành bất động sản. Để ngành này “đóng băng” càng lâu, kinh tế càng chậm phục hồi. Thứ hai, trong một phát biểu gần đây của lãnh đạo ngành ngân hàng rằng tiền thừa không có người vay; trong khi đó DN lại than phiền vì không vay được do không đáp ứng điều kiện về nợ cũ, về tài sản thế chấp… Vậy tại sao các nhà làm chính sách và DN lại không tìm một tiếng nói chung để cùng nhau gỡ khó?
“Người Việt có năng lượng, có tinh thần khởi nghiệp rất cao, sức chống chịu, kiên cường, ứng biến linh hoạt. Cái yếu nhất của chúng ta chính là chất lượng thể chế chưa cao, hệ thống luật pháp còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa minh bạch; sự chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn còn đang ở bước mở đầu. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội bởi thể chế là yếu tố chúng ta có thể chủ động được. Chỉ cần có thể chế vượt trội, nâng hạng từ mức trung bình của thế giới lên mức tiên tiến, cải cách khơi thông, giải phóng được nguồn lực thì có thể đẩy lên ngay sức mạnh của DN Việt”, TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.
Khơi thông vốn và tháo gỡ pháp lý
Nhìn chung kinh tế VN đến cuối năm nay vẫn khó khăn. Mức tăng trưởng 6% khó đạt và Ngân hàng Standard Chartered dự báo chỉ đạt 4,7%. Dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng DN không tiếp cận được. Ngân hàng không dám cho vay vì quy định ngặt nghèo. Đơn cử như DN bất động sản làm dự án phải có giấy phép xây dựng mới cho vay vốn. Trong khi đó, pháp lý hiện đang bế tắc, để ra được giấy phép xây dựng phải mất vài năm. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có gói hỗ trợ đặc biệt hơn cho nền kinh tế. Tiếp cận vốn phải dễ dàng hơn nữa, làm sao để mạch máu lưu thông, để dòng tiền “tắc” như hiện nay rất khó. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản bằng cách thông qua sớm luật Đất đai mà quan trọng nhất là định giá đất. Nếu làm được điều này, các DN sẽ sớm phục hồi. Song song, các DN phải tìm cách tái cơ cấu, tìm đường tự cứu mình, trang bị các yếu tố để tăng tốc. DN chống chọi rất tốt nhưng làm sao qua cơn bạo bệnh phải phát triển tốt. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, DN phải nhìn nhận lại vấn đề để có định hướng phù hợp xu thế. Phải mạnh mẽ áp dụng công nghệ 4.0, hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. DN muốn làm đối tác xuất khẩu bắt buộc phải có chứng chỉ xanh thực chất chứ không phải làm cho có. Phải có chính sách đón đầu để khi kinh tế hồi phục sẽ kịp thời tăng tốc và phát triển.
GS-TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương
Đình Sơn (ghi)
Kích hoạt động lực tăng trưởng mới
Chuyển biến của số DN mới thành lập cũng là dấu hiệu tích cực khi quá trình tái cấu trúc kinh doanh và phục hồi sản xuất đang được tập trung đẩy mạnh. Để hỗ trợ các DN sớm phục hồi, thúc đẩy kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo phải được xác định là giai đoạn “kích hoạt động lực tăng trưởng kinh tế mới trong bối cảnh kinh tế hội nhập với nhiều thay đổi”. Trong đó nhiều chương trình quốc gia chủ động giải quyết các vấn đề cải thiện môi trường pháp lý, khuyến khích kinh tế tư nhân, phát triển ngành kinh tế số, tiếp cận lĩnh vực công nghệ lõi, thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và ứng phó với các vấn đề phát triển bền vững.
Về giải pháp vĩ mô, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ quyết định lớn đến nền kinh tế. Trong đó hạ tầng và dịch vụ logistics giúp các vùng kinh tế trọng điểm tăng lợi thế cạnh tranh. Chính sách kích thích tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn cần có để giải quyết vấn đề dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời, cần tiếp tục chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng và giải ngân đầu tư công.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Đình Sơn (ghi)
Doanh nhân Việt ngày càng khẳng định vị thế
Lực lượng doanh nhân Việt ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thương trường quốc tế, dù còn khá khiêm tốn, song đó là nỗ lực đáng ghi nhận. Đặc điểm chung của các tập đoàn kinh tế tư nhân, DN tư nhân quy mô lớn là tham vọng mở rộng bờ cõi kinh doanh cả nội địa lẫn quốc tế. Đội ngũ doanh nhân Việt ngày nay với con số tiến đến gần 1 triệu đã đóng góp rất lớn vào quy mô nền kinh tế và sự thịnh vượng của đất nước. Tôi đánh giá cao sự kiên cường của doanh nhân trong những thời khắc khó khăn này. Truyền thống ham học hỏi, cần cù của người Việt đã hun đúc, để chúng ta ngày càng có thêm nhiều doanh nhân trẻ, đầy tham vọng, nhiệt huyết.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN
Hà Mai – Nguyên Nga (ghi)
Du lịch sẽ sớm phục hồi
Thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm rất kịp thời của Chính phủ, điển hình là việc Quốc hội thông qua chính sách thị thực mới thông thoáng, cởi mở hơn. Về mức độ cạnh tranh chính sách, tôi cho rằng sự thay đổi như hiện nay là ổn, chỉ cần nghiên cứu thêm để cải thiện về vấn đề kỹ thuật, thuận tiện hơn trong quá trình xử lý dữ liệu, giúp thủ tục xin visa đơn giản, dễ dàng hơn, đặc biệt là với những đoàn khách MICE, khách tàu biển lên tới 2.000 – 3.000 khách/đoàn. Cơ hội giành lợi thế bứt tốc trong những giai đoạn đặc biệt đã qua. Giờ đây, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường thì lợi thế cạnh tranh sẽ trở về năng lực cốt lõi. Đó là sự thuận lợi về điểm đến khi những thủ tục trở nên dễ dàng, đường bay rộng, giá vé máy bay rẻ. Đó là chất lượng hạ tầng dịch vụ tốt, khách sạn tốt, giá cả phải chăng. Đó là hệ thống sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu đang thay đổi nhanh và mạnh của du khách… Miền Bắc thì cần cải thiện dịch vụ, thái độ, trong khi các điểm đến miền Nam thì phải đầu tư sản phẩm, phải có những trung tâm shopping, casino, trung tâm vui chơi, bar, vũ trường phục vụ khách MICE, khách tàu biển…
Trước đây, túi tiền rủng rỉnh thì nhu cầu của khách về khám phá, trải nghiệm cao, giờ họ sẽ cân nhắc nhiều hơn nên sẽ xem xét nhiều yếu tố hơn. Ngành du lịch cần nhìn từ cái nhìn của du khách, đặt trong vòng chung của khu vực Đông Nam Á để trả lời câu hỏi: Cùng chặng bay xa đến Thái Lan, Indonesia, Lào, Malaysia, tại sao họ phải chọn VN? Với ngành du lịch, 2023 vẫn là năm còn rất nhiều khó khăn nhưng bước sang 2024, nếu kinh tế phục hồi trở lại thì du lịch cũng sẽ phát triển, bắt đầu kỳ lên của biểu đồ hình sin. Mục tiêu đặt ra của ngành du lịch là đến 2025 sẽ hồi phục bằng giai đoạn 2019 và tôi tin chúng ta có thể thực hiện mục tiêu này.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist
Hà Mai – Nguyên Nga (ghi)
Cơ hội phục hồi của doanh nghiệp Việt rất lớn
Kiếm tiền không dễ, nhưng cơ hội để phục hồi, tăng tốc của DN Việt là rất lớn nhờ thương hiệu VN trên thương trường. Kinh doanh với đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy càng ngày họ càng có cái nhìn thiện cảm, nói đúng hơn là đánh giá cao tính ổn định của VN về chính trị, xã hội. Thương hiệu gạo Việt trong năm nay “ghi điểm” tốt trên thị trường thế giới, giá cả cũng tốt hơn và niềm tin của đối tác ngoại đặt vào các DN VN trong ngành cũng cao hơn. Đó là lợi thế mà nhiều năm trước, khi chúng ta miệt mài xuất thô, chưa có được.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An
Hà Mai – Nguyên Nga (ghi)
Thanhnien.vn