Tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ chậm lại, Nga khẳng định hệ thống năng lượng và nhiên liệu vẫn hoạt động ổn định, IMF nâng dự báo tăng trưởng Ukraine, thâm hụt ngân sách Đức tăng mạnh… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga vẫn hoạt động ổn định. (Nguồn: AFP) |
Kinh tế thế giới
Tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ chậm lại
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 10/10 cho biết, tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể trong trung hạn (2022-2026). Diễn biến này xảy ra sau một thập niên nhu cầu năng lượng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó khí đốt đóng góp khoảng 40% vào mức tăng trưởng nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt trên toàn thế giới.
Trong Báo cáo khí đốt trung hạn mới nhất năm 2023, IEA cho hay: “Mặc dù căng thẳng thị trường giảm bớt trong 3 quý đầu năm 2023, nguồn cung khí đốt vẫn tương đối thắt chặt và giá tiếp tục biến động mạnh, phản ánh sự cân bằng mong manh trên thị trường khí đốt toàn cầu”.
Cơ quan trên lưu ý rằng, mức tiêu thụ khí đốt tổng thể trên các thị trường châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm trong trung hạn do việc triển khai nhanh chóng năng lượng tái tạo và các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng được cải thiện. Các nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á, cũng như các nước giàu khí đốt ở châu Phi và Trung Đông sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu.
IEA lưu ý rằng, đối với các thành viên châu Âu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhu cầu khí đốt được dự báo sẽ giảm 5% vào năm 2023. Điều này phần lớn được thúc đẩy bởi lượng khí đốt trong ngành điện thấp hơn, giảm gần 15% trong bối cảnh năng lượng tái tạo đang mở rộng nhanh chóng.
Cũng trong báo cáo này, IEA một lần nữa kêu gọi các nước giảm nhu cầu khí đốt một cách có cấu trúc, thông qua các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo và bơm nhiệt, cũng như thay đổi thói quen sử dụng. (THX)
Kinh tế Mỹ
* Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Minneapolis Neel Kashkari, Fed đang trên đà kiểm soát lạm phát mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Sau khi tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục 22 năm, Fed gần đây đã giảm tốc độ tăng, do cần căn cứ vào các số liệu. Ông Kashkari cho rằng, kinh tế Mỹ có cơ sở hạ cánh mềm, với lạm phát được kiểm soát và nền kinh tế tránh được suy thoái. (AFP)
* Theo các nhà phân tích, lợi nhuận của các ngân hàng bán lẻ lớn tại Mỹ có thể tăng trong quý III/2023, trong khi các ngân hàng đầu tư vẫn đối mặt với sự sụt giảm hoạt động tài trợ các thỏa thuận.
JPMorgan Chase sẽ khởi động mùa báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng lớn của Mỹ. Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG) ước tính lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của ngân hàng này tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Goldman Sachs và Citigroup dự kiến công bố lợi nhuận giảm mạnh nhất, với các mức giảm tương ứng 35% và 26%. EPS của Morgan Stanley cũng được dự báo giảm. (Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo một kế hoạch được giới chức Trung Quốc công bố ngày 9/10, nước này đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng hơn 50% tổng năng lực điện toán, trong bối cảnh chính phủ đang tập trung cao độ vào những đổi mới về siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI).
Được 6 bộ ngành công bố, trong đó có Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), kế hoạch nói trên đã đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa tổng năng lực điện toán của Trung Quốc lên 300 EFLOPS (một thước đo hiệu suất máy tính).
Trước đó, hồi tháng Tám, MIIT cho biết năng lực điện toán của Trung Quốc đã đạt 197 EFLOPS trong năm nay, tăng từ mức 180 EFLOPS trong năm 2022. Với mức hiệu suất này, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng MIIT không cho biết chi tiết mức hiệu suất của Mỹ. (Reuters)
* Giá lithium giảm mạnh trên toàn cầu, nhưng đặc biệt đáng chú ý là tại Trung Quốc, nơi kim loại chủ chốt trong sản xuất pin đang được giao dịch với mức giá chênh lệch lớn so với tại Mỹ.
Sau khi nhu cầu mạnh đã khiến giá lithium trên toàn cầu tăng mạnh trong năm ngoái, giá đã lao dốc do nhu cầu xe điện (EV) thấp và nguồn cung được cho là vẫn lớn. Tuy nhiên, dù giảm chung, giá lithium kỳ hạn tại thị trường Trung Quốc rẻ hơn khoảng 35% so với tại Mỹ.
Chênh lệch giá mang đến cho các nhà giao dịch cơ hội kiếm lời, nhưng cũng cho thấy triển vọng của nhà sản xuất EV hàng đầu khó khăn ra sao. (Bloomberg)
Kinh tế châu Âu
* Tờ Financial Times ngày 10/10 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang dự định sẽ công bố tiến hành các cuộc điều tra chống trợ cấp với các nhà sản xuất thép Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ trong tuần này.
Theo đó, EU đã nhất trí tham gia vào những nỗ lực của Mỹ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trước sự cạnh tranh. Bài báo cho hay, Mỹ đã yêu cầu EU có biện pháp đối phó với các nhà sản xuất thép Trung Quốc, đổi lại, khối này sẽ tránh được việc bị Mỹ tái áp đặt các mức thuế như thời của cựu Tổng thống Donald Trump với mặt hàng thép. Bộ Thương mại Trung Quốc hiện chưa có bình luận gì về thông tin này. (Reuters)
* Theo số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 6/10, thâm hụt ngân sách của Đức – nền kinh tế hàng đầu châu Âu – trong nửa đầu năm 2023 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu cho thấy, tổng thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang Đức, chính quyền các bang, thành phố và bảo hiểm xã hội trong nửa đầu năm nay là 76,1 tỷ Euro (80,4 tỷ USD), tăng hơn gấp đôi so với con số thâm hụt 32,9 tỷ Euro cùng kỳ năm ngoái.
Destatis cho biết cả nguồn thu ngân sách và các khoản chi đều tăng trong năm nay, nhưng tỷ lệ tăng thu (khoảng 6%) không đủ bù đắp cho tăng chi (khoảng 11%). (TTXVN)
* Ngày 11/10, Thư ký báo chí của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bắt buộc một số nhà xuất khẩu Nga phải bán ngoại tệ.
Người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết thêm “tỷ lệ tiền tệ phải bán bắt buộc sẽ do Chính phủ Nga quy định” và việc giám sát bán ngoại tệ bắt buộc sẽ được thực hiện bởi Dịch vụ giám sát tài chính. (TTXVN)
* Ngày 11/10, phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn quốc tế “Tuần Năng lượng Nga” lần thứ 6 (REW 2023) diễn ra ở Trung tâm Triển lãm Manezh ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga vẫn hoạt động ổn định, giúp nước này khẳng định vai trò trên thị trường dầu khí toàn cầu.
Tổng thống Putin dẫn đánh giá của các chuyên gia cho biết, dự báo từ nay đến năm 2050, nhu cầu về khí đốt tự nhiên sẽ tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới ngoại trừ Bắc Mỹ và châu Âu. Thị phần khí đốt của châu Âu trong nhu cầu toàn cầu sẽ giảm hơn một nửa – xuống còn 5%. Ngược lại, thị phần của châu Á sẽ tăng từ 21% lên 30%. (TTXVN)
* IMF ngày 10/10 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Ukraine trong năm 2023 lên mức 2%, đồng thời kỳ vọng kinh tế nước này sẽ tăng 3,2% trong năm 2024.
Theo IMF, việc điều chỉnh tăng trong dự báo triển vọng mới nhất này là nhờ vào nhu cầu trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, do các công ty và hộ gia đình Ukraine đã thích ứng với cuộc xung đột với Nga, khi lạm phát giảm dần và thị trường ngoại hối ổn định. IMF, nhà cho vay quốc tế quan trọng đối với Ukraine, cũng kỳ vọng lạm phát của quốc gia này sẽ giảm dần xuống 17,7% trong năm 2023 và xuống mức 13% trong năm 2024. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Mới đây, lần đầu tiên sau 3 năm, chính phủ Nhật Bản đã cho phép tăng hạn ngạch đánh bắt cua tuyết, một đặc sản mùa Đông của nước này.
Cụ thể, đầu tháng 10/2023, cuộc họp giữa các bên liên quan về cua tuyết ở biển Nhật Bản đã được tổ chức và đi đến quyết định tăng tổng hạn ngạch đánh bắt loại hải sản này trong năm tới (từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024) lên 3.400 tấn, tăng 21% so với giai đoạn trước.
Mặc dù hạn ngạch đánh bắt cua tuyết vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đây là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của các nỗ lực cân bằng giữa bảo tồn và khai thác nguồn lợi hải sản này. (TTXVN)
IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hàn Quốc do khả năng nền kinh tế này sẽ tiếp tục rơi vào trì trệ trong năm tới. Ảnh: Cảng Pusan ở Busan, Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters) |
* IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hàn Quốc xuống 2,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Bảy.
IMF điều chỉnh dự báo do khả năng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào trì trệ trong năm tới, trong lúc tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, giá dầu tăng và các yếu tố bên ngoài bất lợi khác.
Ngoài ra, quỹ trên cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc sau 25 năm, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản ở mức 1,4% trong tháng Bảy, nhưng hiện đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản 0,6 điểm phần trăm, lên 2%. (Reuters/TTXVN)
* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE) Hàn Quốc ngày 9/10 cho biết, cuộc xung đột tại Trung Đông ít có tác động đến quá trình nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của nước này.
Tuyên bố cho biết, hầu hết các tàu chở dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hướng tới Hàn Quốc đều đang hoạt động bình thường ở khu vực Trung Đông. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Kết luận cuộc họp Nội các ngày 9/10 về giá cả lương thực, nhất là ngô, đường và gạo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, chính phủ nước này chọn giải pháp nhập khẩu nhằm kiềm chế đà tăng giá.
Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết, giá đường và ngô đang tăng dần do tình hình toàn cầu hiện nay, như các cuộc xung đột và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Ông Zulkifli xác nhận rằng Indonesia sẽ nhập khẩu 250.000 tấn ngô cho chăn nuôi gia súc. Về đường, chính trị gia của Đảng Ủy nhiệm Quốc gia (PAN) này cho hay chính phủ sẽ đợi giá giảm trước khi quyết định nhập khẩu. (TTXVN)
* Thủ tướng Malaysia kiêm Bộ trưởng Tài chính Anwar Ibrahim cho biết, hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm giá trong năm 2023, bao gồm cả đồng Ringgit do tác động của việc Fed tăng lãi suất.
Thủ tướng Anwar giải thích, diễn biến của đồng Ringgit trong năm nay phần lớn được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD tăng mạnh do lãi suất cao hơn của Mỹ, cũng như điều kiện kinh tế yếu hơn dự kiến của Trung Quốc.
Theo ông Anwar, chỉ bằng cách củng cố nền kinh tế trong nước, giá trị của đồng Ringgit mới có thể tăng và hiện Malaysia đang áp dụng phương pháp không tăng lãi suất chính sách qua đêm (OPR) khi tính đến việc đồng USD tăng giá. (TTXVN)
* Thái Lan đã phê duyệt số đơn đăng ký đầu tư với tổng trị giá 41 tỷ Baht (1,1 tỷ USD) vào các dự án bao gồm sản xuất xe điện (EV), sản xuất năng lượng tái tạo từ chất thải, trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị du lịch và lữ hành.
Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) Narit Therdsteerasukdi cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/10 rằng, các dự án được BOI phê duyệt kể từ khi thành lập chính phủ mới chủ yếu là các lĩnh vực chiến lược, đóng vai trò trọng tâm trong chính sách xúc tiến đầu tư của Thái Lan trong những năm tới.
Tính từ tháng 1-8/2023, BOI đã nhận được số đơn đăng ký xúc tiến đầu tư có tổng trị giá là 465 tỷ Baht (12,7 tỷ USD), tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đơn đăng ký cũng tăng 33% lên 1.375 dự án.
BOI cũng điều chỉnh chiến lược xúc tiến đầu tư 5 năm có hiệu lực từ tháng 1/2023. (THX)