- Mang nước sạch đến cho trẻ em dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu
- Hà Nội hỗ trợ giá nước sạch đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách
- Tập đoàn Tân Á Đại Thành: Phát động Chương trình “Nước sạch biên cương”
- Quảng Bình bàn giao 5 nhà Đại đoàn kết và công trình nước sạch tại bản Khe Ngát
- Quảng Bình bàn giao 5 nhà Đại đoàn kết và công trình nước sạch tại bản Khe Ngát
- Quảng Bình: Hỗ trợ cải thiện nước sạch cho người nghèo
Những năm qua, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang giúp nhiều gia đình vùng nông thôn huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk có điều kiện cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh… Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn, vệ sinh, chất lượng sống được nâng lên.
Thuận lợi của Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là phương thức cho vay không phải thế chấp tài sản, đối tượng mở rộng, lãi suất cho vay phù hợp, thời hạn dài, người vay tiếp cận nhanh với nguồn vốn. Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay chương trình, bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, hằng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời hướng dẫn người dân về các thủ tục liên quan đến hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay… Người vay quyết định mô hình nước sạch để sinh hoạt, sản xuất, xây dựng các công trình vệ sinh phù hợp với khả năng tài chính của gia đình, tự tổ chức thực hiện và quản lý công trình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (thôn 7, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) trước đây chỉ có nhà tắm, nhà vệ sinh tạm bợ, mọi sinh hoạt đều dùng nước suối ở những khe. Nguồn nước không bảo đảm vệ sinh nên mọi người rất hay bị bệnh đường ruột, da liễu. Tháng 3/2023, gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Cùng với tiền tiết kiệm, gia đình chị đã xây công trình khép kín nhà tắm, nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Chị Hiền phấn khởi cho biết: “Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có nước sạch, công trình vệ sinh khép kín nên mọi sinh hoạt tiện lợi hơn nhiều”.
Theo Ông Y Sếp Niê – Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Mgar, từ khi thực hiện Chương trình tín dụng cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004 ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp hơn 6.000 lượt hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Tổng dư nợ đến 30/9/2023 là trên 68.125 triệu đồng, số khách hàng còn dư nợ vay là 4.007 hộ.
Mục đích của chương trình là giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Có thể nói, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần giúp cho người dân khu vực nông thôn có điều kiện sử dụng nguồn nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch và có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó, hạn chế lây nhiễm bệnh tật trong dân cư, nhất là các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh như: thương hàn, tiêu chảy, tả, mắt hột…
Hơn thế, việc các gia đình có điều kiện xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch còn giúp xóa bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh trước kia, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị.