Nhiều nơi làm mọi cách để thu hút khách du lịch nhưng cũng có các điểm đến lại đau đầu tìm cách ngăn mọi người ghé thăm quá nhiều.
Việc các điểm đến nổi tiếng đang đối mặt với quá tải du khách và tìm mọi cách ngăn khách đến được các chuyên gia du lịch ví như “nhà giàu cũng khóc”.
Lionel Saul, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Khách sạn EHL Thụy Sĩ, cho biết sự gia tăng của các hãng hàng không giá rẻ, dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn và tàu du lịch là những nguyên nhân khiến nhiều điểm đến nổi tiếng bị quá tải.
Phương tiện truyền thông xã hội, KOLs (những người có ảnh hưởng trên mạng), phim ảnh và chương trình truyền hình cũng là các nguyên nhân vì chúng đưa nhiều người đến cùng một nơi, Tatyana Tsukanova, một chuyên gia khác tại Thụy Sĩ cho biết. “Họ đến, chụp một bức ảnh đẹp để đăng lên mạng khiến mức độ nổi tiếng ở điểm đến tăng lên và rời đi”, Tsukanova nói.
Liên Hợp Quốc ước tính dân số thế giới đạt 8,5 tỷ người vào 2030. Dự kiến có thêm 50 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm, chủ yếu đến từ châu Á, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Để tránh quá tải, nhiều điểm đến tìm cách hạn chế lượng khách. Làng Hallstatt của Áo có 800 cư dân nhưng mỗi năm có một triệu lượt khách đến. Chính quyền hồi đầu năm đã xây hàng rào để ngăn khách tiếp cận những khung cảnh nổi tiếng nhất nhưng sau đó phải phá bỏ do phản ứng dữ dội từ dư luận.
Các thiên đường du lịch khách trên thế giới cũng đang tìm cách giới hạn lượng khách đến mỗi ngày như Machu Picchu Peru, Acropolis Hy Lạp, Borobudur Indonesia.
Trong số đó, Amsterdam được nhiều người đánh giá làm “mạnh tay” với du khách hơn cả và được ví như “thành phố tiên phong trong việc chống lại tình trạng quá tải”. Chính quyền hạn chế xe buýt, cửa hàng phục vụ khách du lịch, việc khai trương khách sạn mới và cho thuê nhà kiểu Airbnb. Thành phố cũng đang xem xét việc cấm tàu du lịch, chuyển phố đèn đỏ nổi tiếng ra khỏi trung tâm.
Thủ đô Hà Lan đã phát động chiến dịch du lịch vào tháng 5, yêu cầu khách “tránh xa” nếu đến đây chỉ để tiệc tùng hay sử dụng chất gây nghiện.
Một số nơi khác nhắm vào ví tiền của du khách, đưa ra các chính sách phạt tiền với hành vi xấu. Venice, Italy phạt khách nếu cố tình bơi trong các kênh đào, mặc đồ bơi đi dạo, ngồi trên mặt đất ăn uống. Chính quyền cũng đang thử nghiệm chính sách mới từ đầu năm 2024: thu phí 5 USD với du khách đến tham quan và rời đi trong ngày. Phí này được thu vào những ngày cao điểm khách du lịch.
Valencia Tây Ban Nha, Manchester Anh hay Thái Lan, Iceland cũng chuẩn bị áp thuế du lịch mới với khách. Bali cũng sẽ đánh thuế du khách 10 USD từ tháng 2/2024.
Tsukanova cho biết các hạn chế về kinh tế chỉ là “một nửa biện pháp”. Nhiều nghiên cứu chỉ ra tiền phạt không ngăn cản được tình trạng quá tải du lịch. Thay vào đó, chính quyền địa phương cần hợp tác với doanh nghiệp và người dân.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng chìa khóa để vượt qua tình trạng quá tải du lịch nằm ở khách du lịch. “Vấn đề là quản lý dòng khách”, ông nói.
Để giải quyết tình trạng đông đúc mà không để mất khách, nhiều quốc gia đang lôi kéo khách ghé thăm những nơi ít người biết. Các quan chức du lịch Nhật Bản đang thúc đẩy du khách đến thăm các vùng nông thôn của đất nước thay vì các điểm đến đã quá nổi tiếng.
Darrell Wade, đồng sáng lập công ty du lịch Intrepid Travel tại Australia cho biết du lịch cần “phát triển và tái tạo”. Wade chỉ ra một trong những vấn đề của du lịch hiện nay là đang đi ngược với sự tái tạo, chủ yếu là khai thác. Wade đang nghiên cứu một mô hình kinh doanh khách sạn mang tính cải tạo, du khách đến tham quan và giúp đỡ cộng đồng nơi họ ghé thăm. “Khách không chỉ đến tham quan và rời đi”, ông nói.
Wade chỉ ra du khách có thể cùng người dân địa phương khôi phục các rạn san hô, trồng cây, chọn ở các khách sạn nhỏ và nhà hàng địa phương, thay vì đổ dồn vào các khách sạn cao cấp và hàng quán sang chảnh.
Tsukanova cho biết du khách cũng cần thay đổi suy nghĩ. “Thách thức lớn của chúng ta là giáo dục mọi người đi du lịch theo một cách khác”, thay vì đến sống ảo rồi rời đi như ngày nay, theo Tsukanova.
Anh Minh (Theo CNBC)