Tình hình xấu đi từng phút. Và trong khi sự việc vẫn tiếp diễn, các phương tiện truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đã bất chấp nguy hiểm đến hiện trường. Và để thế giới có thể cập nhật được đầy đủ các thông tin về chiến sự, các nhà báo đã dũng cảm dấn thân và thậm chí đã phải hy sinh đến tính mạng.
Dũng cảm tác nghiệp trong bom đạn
Những thông tin liên tục nhất trong ngày qua đến từ các phóng viên đang ở trong vùng nguy hiểm, vừa phải tác nghiệp vừa phải ấn nấp trước bom đạn. Đây không phải là những phóng viên ở cách vụ nổ một hoặc hai dặm. Họ thậm chí ở ngay gần những tòa nhà vừa bị trúng bom hoặc tên lửa.
Đây là đoạn clip của Clarissa Ward của CNN, người đã nói: “Hãy tha thứ cho tôi, nhưng tôi đang ở một vị trí hơi thiếu lịch sự”. Cô ấy đang nằm trong một con mương bởi vì như cô ấy giải thích rằng: “Chúng tôi vừa có một loạt tên lửa khổng lồ lao tới đây, cách chúng tôi không xa lắm”. Đây là đoạn clip đáng sợ về việc cô ấy đã rơi vào tình thế đó như thế nào.
Nữ nhà báo Ward nói với người xem: “Gaza nằm ở hướng đó. Bây giờ chúng tôi có thể nghe thấy rất nhiều máy bay trên bầu trời. Chúng tôi cũng có thể nghe thấy Vòm Sắt chặn một số tên lửa đó khi chúng lao vút qua đầu và va chạm theo hướng đó”.
“Chúng tôi đến địa điểm này vì đây là điểm khởi đầu cho toàn bộ chiến dịch tấn công. Các chiến binh Hamas đến trên một chiếc xe bán tải. Đây là nơi đầu tiên họ chọc thủng bức tường biên giới đó”, cô nói thêm.
Trong khi đó, người xem cũng được trải nghiệm chính xác hình ảnh và âm thanh của chiến sự, khi một nhà báo và nhóm của anh thực sự đang ở trong vùng chiến sự trong đoạn clip chói tai này với Richard Engel của NBC News. Người ta có thể nhìn thấy súng cối trên đầu và sau đó nghe thấy tiếng súng nổ gần đó, làm vỡ kính và bốc khói bụi. Engel kêu gọi đội của mình “Ở yên!” khi họ nằm trên mặt đất và nép mình vào một bức tường nhỏ.
Sau đó là đoạn clip này của Trey Yingst trên Fox News, người đã dành 72 giờ qua để tránh các vụ đánh bom. Trong một cảnh khác vào ban đêm, Yingst đang tác nghiệp thì loa phóng thanh cảnh báo về một cuộc tấn công khác. Anh ấy nói với các đồng nghiệp của mình: “Mọi người hãy xuống đi. Nằm xuống. Mọi người nằm xuống. Che đầu lại. Bây giờ tên lửa bắn nhiều hơn…”.
Trong trong clip này, Yingst điềm tĩnh và bình tĩnh đưa tin về việc tên lửa bị đánh chặn trên đầu.
Trong một đoạn clip khác, Holly Williams của CBS News và đoàn của cô đã phải cố gắng tìm nơi an toàn. Cô ấy nói với chương trình CBS Mornings: “Chúng tôi đang ở cách biên giới với dải Gaza hai dặm và chúng tôi đã nghe thấy tiếng tên lửa bắn tới, buộc đội của chúng tôi phải tìm chỗ ẩn nấp cách đây không lâu… Nhiều người gọi đây là Vụ 11/9 của Israel và đúng là có cảm giác như vậy. Dù ở một quốc gia đã quen sống với mối đe dọa bạo lực, song người dân ở đây vẫn vô cùng sốc”.
Matt Gutman của ABC News, sau khi cùng đội của mình chạy nước rút đến nơi an toàn trong một vụ đánh bom, đã nói: “Điều đó cho bạn biết bạn đã ở gần đến mức nào”.
“Họ xứng đáng được cảm ơn và cầu nguyện”
Nhà bình luận chính trị của CNN , David Axelrod, đã tweet: “Việc xem phóng viên chiến trường dũng cảm @clarissaward của CNN và đội của cô ấy ẩn nấp dưới làn đạn nhắc nhở chúng ta về những rủi ro mà các nhà báo dũng cảm gặp phải khi đưa những câu chuyện như cuộc tấn công khủng khiếp vào Israel và hậu quả của nó với thế giới. Họ xứng đáng được chúng ta cảm ơn và cầu nguyện”.
Người dẫn chương trình “CBS Mornings” Tony Dokoupil cho biết trên sóng truyền hình hôm thứ Hai vừa rồi rằng hai đứa con và vợ cũ của anh đang ở Israel khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt.
Anh chia sẻ: “Thật khó khăn. Tôi có một đứa trẻ 11 tuổi và một đứa 14 tuổi sống ở Israel. Họ được an toàn. Nhưng với tư cách là một người cha, tôi nghĩ mọi người có thể hiểu, nếu ai đó, bất kỳ ai, bắn tên lửa về phía con bạn mà không quan tâm liệu chúng có bị trúng đạn hay không, bạn sẽ cảm thấy điều gì đó”.
Anh ấy nói thêm: “Tôi đến đây một cách khách quan với tư cách là một nhà báo, nhưng tôi cũng là một người cha… bạn không thể tách rời hai điều đó ở một thời điểm nhất định”.
Hoàng Hải (theo CNN, CBS, Poynter)