Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa công bố tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, ông lớn trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn đã không thanh toán 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỷ đồng lãi. Lý do mà Bông Sen đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.
Lô trái phiếu có mã BSECH2126003 được phát hành ngày 15/10/2021 với kỳ hạn 5 năm. Ngày thanh toán theo kế hoạch là 30/6/2023. Số tiền gốc phải thanh toán là 4.800 tỷ đồng. Lãi và lãi phạt phải thanh toán là hơn 668 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã không thanh toán gốc và lãi trong kỳ.
Ngày 30/8, đại hội đồng cổ đông bất thường của Bông Sen đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công An để khắc phục hậu quả của vụ án.
Đại hội này cũng thông qua việc xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Các tài sản bao gồm phần góp vốn của bà Trần Thi Phơ; cổ phần Công ty Daeha; và hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản (tại 55-56 Nguyễn Huệ – Khách sạn Palace; 61-63 Hai Bà Trưng – khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, 93-95-97 Đồng Khởi…)
Trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo không đủ chi trả nghĩa vụ trái phiếu, thì sẽ xử lý các tài sản khác thuộc Bông Sen để tất toán toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu.
Tại đại hội, Chủ tịch Bông Sen bà Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, trong các tài sản mà Bông Sen đưa vào để làm tài sản đảm bảo tại hồ sơ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần tại CTCP Daeha. Đây là cổ phần sở hữu thuộc CTCP Hợp Nhất 1 và Bông Sen có sở hữu cổ phần chi phối tại công ty này.
Về việc xin ý kiến biểu quyết để chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định của Cơ quan điều tra, do Bông Sen đang bị Cơ quan điều tra yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để khắc phục hậu quả.
Bà Hạnh thừa nhận, trước đó Bông Sen đã phải báo cáo thống kê tất cả các khoản thu chi, dòng tiền hoạt động để Cơ quan điều tra kiểm tra xem dòng tiền của Bông Sen, dòng tiền hoạt động của công ty thu vào, trừ các khoản chi phí hoạt động, lương nhân viên, công nợ phải trả, nghĩa vụ thuế cho Nhà nước…, còn lại dòng tiền dôi ra phải chuyển vào tài khoản chỉ định.
Về việc Bông Sen có liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay không và nguồn tiền sẽ được xử lý như thế nào, bà Hạnh cho biết, Bông Sen đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của Cơ quan điều tra của Bộ Công an. Toàn bộ dòng tiền của việc phát hành trái phiếu cũng đang trong quá trình làm việc điều tra, hiện chưa có kết luận cuối cùng.
Cũng theo bà Hạnh, Bông Sen nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát.
Bông Sen phát hành trái phiếu theo nghị quyết đại hội cổ đông ngày 6/9/2021. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với giá trị 4.800 tỷ đồng, lãi được trả định kỳ 3 tháng/lần. Mục đích phát hành trái phiếu là để đầu tư vào dự án 152 Trần Phú. Bông Sen đã trả lãi cho trái chủ 3 kỳ. Sau đó, do phía đơn vị mà Bông Sen hợp tác đầu tư không thực hiện cam kết nên gián đoạn việc trả lãi cho trái chủ.
Hiện Cơ quan điều tra làm việc về các nội dung trái phiếu trong đó có trái phiếu của Bông Sen. Bông Sen xin phê duyệt nội dung thanh lý tài sản để xử lý trái phiếu sẽ thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của Cơ quan điều tra. Bông Sen không được phép thực hiện các việc thay đổi dịch chuyển tài sản lúc này.
Sở hữu loạt “đất vàng” làm khách sạn: Bông Sen kinh doanh bết bát
Bông Sen là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía Nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực “đất vàng” tại trung tâm TP.HCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi), Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng),…
Đây vốn là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần kể từ tháng 1/2005, với quy mô vốn điều lệ là 130 tỷ đồng.
Sau khi được tư nhân hóa, công ty đã nhanh chóng tạo dựng dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản nhờ một loạt thương vụ thâu tóm lên tới hàng nghìn tỷ đồng như nắm cổ phần lớn tại CTCP Khách sạn Sài Gòn, sở hữu CTCP Sài Gòn One Tower.
Thương vụ đáng chú ý là Bông Sen chi hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu chi phối Hợp Thành 1, từ đó gián tiếp sở hữu 51,05% cổ phần của CTCP Daeha – chủ đầu tư khu phức hợp Trung tâm thương mại Daeha (bao gồm cả khách sạn Daewoo).
Mặc dù sở hữu nhiều đất vàng nhưng Bông Sen có kết quả kinh doanh yếu kém. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bông Sen lỗ 280 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 82 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng lỗ cả trong năm 2022 và 2021.
Tính tới giữa năm 2023, vốn chủ sở hữu giảm khoảng 700 tỷ đồng so với cùng kỳ, xuống còn dưới 7.000 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,69 lần, tương đương khoảng 4.811 tỷ đồng.
Trước đó, Bông Sen từng phát hành 4 lô trái phiếu khác, trong đó có lô trái phiếu phát hành để đảo nợ cho lô trái phiếu cũ.
Trong lô trái phiếu cuối cùng và đang lưu hành trên thị trường, CTCP Chứng khoán Tân Việt làm tổ chức lưu ký.
Tân Việt chính là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông – doanh nghiệp liên quan đến bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát).
Bà Lan đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian năm 2018 – 2019, xảy ra tại CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.