Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu. Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, trao đổi với TG&VN về tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu doanh nghiệp cùng một số khuyến nghị.
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Nguồn: Thương Gia Online) |
Doanh nghiệp không bỏ tiền ra làm thương hiệu để bán với giá cũ
Theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng, trước tiên, cần phải xác định thương hiệu là bài toán thương mại vì muốn có thương hiệu thì doanh nghiệp cần phải đầu tư xây dựng. Giá trị của thương hiệu không chỉ đến từ việc đầu tư xây dựng mà còn đến từ chất lượng của hàng hoá, dịch vụ, không những tốt mà cần có sự khác biệt.
“Thương hiệu phải gắn bó chặt chẽ với chất lượng của hàng hoá, dịch vụ và có sự khác biệt so với những sản phẩm cùng loại thì thương hiệu đó mới thực sự có giá trị, mang ý nghĩa thương mại. Không doanh nghiệp nào bỏ tiền ra làm thương hiệu để vẫn bán những hàng hoá, dịch vụ với giá cũ”, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng cho hay.
Phân tích ở góc độ doanh nghiệp, chuyên gia Nguyễn Bá Hùng cho rằng, việc làm thương hiệu phải là việc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thấy lợi ích trong việc làm thương hiệu và phải có đủ nguồn lực để làm thương hiệu.
Doanh nghiệp có thể ban đầu nhận đi gia công cho các hãng nước ngoài, khi năng lực sản xuất tốt lên, các sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì đó là lúc doanh nghiệp có thể bắt đầu tập trung làm thương hiệu.
Ông Hùng cũng dẫn chứng câu chuyện thành công của An Phước với việc đưa thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp Pierre Cardin vào Việt Nam và phát triển thương hiệu thời trang cao cấp riêng của người Việt: “Ban đầu An Phước chuyên nhận gia công cho Piere Cardin, sau đó họ tự ra thương hiệu của riêng mình. Chúng ta sẽ khó đong đếm được đằng sau câu chuyện đấy là chất lượng đến đâu nhưng rõ ràng sản phẩm của An Phước so với các sản phẩm thương hiệu trong nước khác thì đang vượt trội và có ưu thế về giá. Đó là lý do họ càng đổ nhiều tiền hơn vào việc làm thương hiệu”.
Xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Bên cạnh đó, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt cũng gia tăng mạnh mẽ.
Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng nhận định, để xây dựng thương hiệu quốc gia, giống như xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, cần nên cân nhắc ở trong góc độ cost – benefit (chi phí và lợi ích).
“Thông thường, khi nói đến thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ nhiều hơn đến ngành Du lịch, còn thông qua các sản phẩm thì hiện nay sự lan toả vẫn ở mức độ vừa phải bởi việc quảng bá thương hiệu quốc gia vẫn chỉ dừng lại ở mức popularity – để người ta nghe đến mình nhiều hơn”, ông Hùng cho hay.
Vì vậy, xây dựng thương hiệu quốc gia phải gắn với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao, và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế thì lại tạo ra một sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tự tin vươn mình cùng với các doanh nghiệp ngoại quốc, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.