Trung QuốcTháp trống và tháp chuông Tây An là những công trình được hoàng đế nhà Minh Chu Nguyên Chương cho xây dựng hơn 600 năm trước để dời đô nhưng kế hoạch này cuối cùng bị hủy.
Tại nhiều địa phương ở Trung Quốc có những tháp trống và tháp chuông được xây dựng từ thời xưa để báo thời gian, xuất phát từ truyền thống thời Đường. Đánh chuông vào sáng sớm để báo hiệu thời điểm mở cổng thành cho người ra vào, còn đánh trống vào buổi tối để nhắc nhở đóng cổng thành và thực hiện lệnh giới nghiêm.
Tây An là nơi có tháp chuông và tháp trống lớn nhất và được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Trung Quốc. Chúng đều được xây dựng vào thời hoàng đế Chu Nguyên Chương (1328-1398), người sáng lập nhà Minh, triều đại cai trị Trung Quốc năm 1368-1644.
Sau khi lật đổ nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương đóng đô ở Nam Kinh. Ông sau đó nảy ý dời đô về Tây An với mong muốn triều đại do mình sáng lập cũng phồn thịnh như Tây Hán và Đại Đường, hai triều đều đặt kinh đô ở đây.
Năm 1380, ông ra lệnh xây tháp trống ở trung tâm Tây An. Thân tháp cao 34 mét, chiều cao tính cả đế là 36 m, xây dựng trên mảnh đất hình chữ nhật rộng gần 1.400 m2. Thân tháp dựng bằng gạch và gỗ, mái lợp ngói màu xám, bên trong sơn son thiếp vàng, cột gỗ chạm trổ cầu kỳ.
Tháp có hai tầng và vốn chứa một cái trống khổng lồ nhưng nó không còn tồn tại đến ngày nay. Năm 1996, thành phố Tây An quyết định làm một chiếc trống mới mô phỏng trống cổ. Trống cao 1,8 mét, đường kính 2,83 m và nặng 1,5 tấn.
Tầng một của tháp cũng treo nhiều chiếc trống lớn, được trang trí bằng thư pháp để tượng trưng cho may mắn. Dàn trống này chỉ để trưng bày và du khách không được phép chạm vào. Bên trong tháp hiện có một bảo tàng trưng bày nhiều loại trống, một số có niên đại hàng nghìn năm.
Tháp chuông cách tháp trống khoảng 200 m về phía tây, xây năm 1384. Tháp nằm giữa ngã tư, nơi giao cắt của 4 tuyến đường chính nhộn nhịp ở trung tâm thành phố. Tháp xây bằng gỗ và gạch, có chiều cao và diện tích tương tự tháp trống.
Tháp vốn có một chiếc chuông đồng lớn từ thời Đường có tên Cảnh Vân. Chiếc chuông này hiện được đưa vào bảo tàng. Thành phố Tây An cho đúc một chiếc mới mô phỏng chuông cổ với chiều cao 2,45 m, đường kính 1,65 m và nặng 6,5 tấn. Nó bắt đầu được treo ở góc tây bắc đế tháp từ năm 1997.
Có một truyền thuyết rằng vào thời nhà Minh, một trận động đất lớn xảy ra Tây An và khu vực xung quanh khiến hàng nghìn người chết và bị thương. Nguyên nhân động đất là một con rùa lớn tại con sông chảy qua trung tâm thành Tây An làm loạn.
Quan ở Tây An lệnh cho thợ rèn toàn thành làm một dây xích sắt dài vài nghìn thước và thả nó xuống sông. Sau đó ông lệnh cho 5.000 thợ ngày đêm sửa chữa tháp chuông để trấn áp con rùa. Sau đó, động đất không bao giờ xảy ra ở Tây An nữa.
Hai công trình ở Tây An còn lớn hơn tháp chuông và tháp trống ở kinh đô thời bấy giờ là Nam Kinh, thể hiện ý định dời đô của Chu Nguyên Chương. Nhưng cuối cùng, kế hoạch này không thành. Thái tử Chu Tiêu qua đời sau chuyến đi tới Tây An khảo sát. Mất đi người kế vị, Chu Nguyên Chương đau lòng. Từ đó trở đi, ông không bao giờ nhắc đến ý định dời đô đến Tây An nữa.
Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, con trai của Chu Tiêu là Chu Doãn Văn kế vị, cai trị năm 1398-1402. Chu Đệ, con trai thứ tư của Chu Nguyên Chương, năm 1402 khởi binh cướp ngôi của cháu trai và trị vì đến năm 1424. Ông đã dời đô về Bắc Kinh và cho xây dựng Tử Cấm Thành.
Hồng Hạnh (Theo Pear/Baidu)