Đứng trước xu thế hiện đại hóa quốc phòng của thế giới, các nước đang nỗ lực tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào vũ khí truyền thống nhằm đạt được lợi thế trên chiến trường.
Máy bay không người lái Reapers của Mỹ, sở hữu radar tầm xa và có thể cung cấp cho bộ chỉ huy thông số hàng hải từ khoảng cách lớn. (Nguồn: Lực lượng Không quân Mỹ) |
Các chiến lược gia quân sự hàng đầu cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại. Bởi nhà nghiên cứu công nghệ có thể tích hợp chúng vào vũ khí truyền thống, như tàu và máy bay chiến đấu, nhằm gia tăng hỏa lực và thay đổi phương thức tác chiến.
Do đó, nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế sẵn sàng chi tiền đầu tư, nghiên cứu nhằm cho ra những sản phẩm có khả năng chiến đấu tối ưu và giúp quân đội giành lợi thế lớn trên chiến trường.
Vậy việc tích hợp công nghệ quân sự vào vũ khí truyền thống có thế mạnh gì và các nước trên thế giới đang cạnh tranh nhau ra sao?
Lợi thế của vũ khí trang bị AI
Đầu tiên, nhờ tốc độ xử lý dữ liệu nhanh chóng, AI có thể thu thập và gửi thông tin từ vệ tinh, radar cho chỉ huy quân sự, từ đó giúp họ nắm bắt được diễn biến chiến trường và đưa ra quyết định tốt hơn. Chẳng hạn, với khả năng giám sát và phân tích hình ảnh, AI sẽ giúp máy bay không người lái nhắm bắn chính xác mục tiêu quan trọng của đối phương, như chỉ huy cấp cao hoặc căn cứ quân sự trọng yếu.
Bên cạnh đó, vũ khí truyền thống tích hợp công nghệ, đặc biệt là máy bay không người lái trang bị AI, còn có 3 lợi thế lớn khác. Một là, AI sẽ thay con người điều khiển, nên việc máy bay tự hành trên chiến trường sẽ giảm thiểu thương vong binh lính.
Hai là, chúng có thể thực hiện các thao tác mà cơ thể người không chịu đựng được, chẳng hạn sự gia tăng áp suất không khí khi máy bay nâng độ cao có thể khiến phi công bất tỉnh. Do đó, máy bay không người lái không cần lắp đặt thiết bị cung cấp oxy.
Ba là, trong khi máy bay chiến đấu có người lái tiêu tốn hàng chục triệu USD, thì máy bay chiến đấu tự hành chỉ mất vài triệu USD. Với giá thành như vậy, bộ máy quân sự sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn.
AI trong chiến tranh hiện đại
Xung đột Nga-Ukraine là bằng chứng thiết thực cho tác động của công nghệ quân sự đối với diễn biến chiến trường. Trong báo cáo hồi tháng 5 của Dự án Nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt, lực lượng Kiev và Moscow đều đang tích hợp vũ khí truyền thống với AI, hình ảnh vệ tinh, cùng các loại đạn thông minh. Nhờ việc ứng dụng công nghệ, hai bên đã cải thiện đáng kể sát thương của pháo binh và tên lửa.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao công việc giữa người và robot đang diễn ra trên chiến trường. Trong bối cảnh máy bay trực thăng trinh sát có người lái dễ bị tấn công, nên chỉ huy của hai nước đều đang dần chuyển giao vai trò đó cho máy bay tự hành.
Phát biểu tại Hội nghị về công nghệ quân sự ở Washington ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks lưu ý, cuộc giao tranh tại Ukraine chứng minh rằng, sản phẩm công nghệ của công ty thương mại có thể đóng vai trò quyết định đối với chiến tranh hiện đại.
Đối đầu công nghệ quân sự Mỹ-Trung
FH-97A là thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc. Với tính năng điều khiển bằng AI, những chiếc UAV thế hệ mới này sẽ giúp gia tăng mạnh mẽ sức mạnh quốc phòng. (Nguồn: Reuters) |
Nhận thức được lợi thế của công nghệ trong chiến lược quân sự, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để tối đa hóa khả năng tác chiến bằng AI và cân bằng sức mạnh với đối phương.
Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã tăng mạnh chi tiêu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ quân sự, trong đó có AI và học máy (machine learning). Thông tin từ công ty nghiên cứu công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc Datena cho biết, Bắc Kinh đã chi lần lượt khoảng 3,1 triệu USD và 8,5 triệu USD cho nghiên cứu AI và học máy vào năm 2011. Đến năm 2019, Trung Quốc tiếp tục rót 86 triệu USD cho AI và khoảng 55 triệu USD cho học máy.
Tại triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11/2022, Bắc Kinh đã trình làng mẫu máy bay tự hành FH-97A, có chức năng giống máy bay chiến đấu phản lực, hoạt động song song với máy bay chiến đấu có người lái, nhằm cung cấp thông tin tình báo và bổ sung hỏa lực cho quân đội.
Nhà Trắng đã có những phản ứng nhất định trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ quân sự Trung Quốc. Ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết, Washington sẽ triển khai hàng nghìn hệ thống tự hành trong hai năm tới, nhằm bù đắp lợi thế về số lượng vũ khí và con người của Trung Quốc.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị ở Colorado vào tháng 3, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, Washington đang lên kế hoạch xây dựng một phi đội gồm 1.000 máy bay chiến đấu không người lái. Đến tháng 8, chính quyền Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh cấm một số khoản đầu tư mới của Mỹ vào Trung Quốc, trên lĩnh vực công nghệ nhạy cảm liên quan tới quân sự.
Như vậy, vũ khí truyền thống tích hợp công nghệ hiện đại đem lại cho lực lượng tác chiến rất nhiều lợi thế, bao gồm khả năng xử lý dữ liệu, phân tích hình ảnh, giảm thiểu thương vong và bảo vệ người lính, cũng như tiết kiệm kinh phí.
Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực hiện đại hóa khí tài của mình nhằm nâng cao hỏa lực và cân bằng sức mạnh với đối phương.
Cuộc đối đầu giữa binh sĩ Moscow và Kiev trên chiến trường Ukraine là một trường hợp điển hình, trong đó hai bên sử dụng AI và các loại đạn thông minh để kiềm tỏa lẫn nhau.
Không đứng ngoài xu thế, Mỹ và Trung Quốc cũng nỗ lực tích hợp công nghệ vào bộ máy quốc phòng, đặc biệt là áp dụng AI cho hệ thống tự hành và máy bay không người lái. Do lo ngại việc Trung Quốc ngày càng chi tiêu mạnh để phát triển công nghệ quân sự, Mỹ đang có kế hoạch xây dựng một phi đội máy bay tự hành lớn nhằm đáp ứng tình thế cạnh tranh hiện nay.