Nếu tận dụng tốt các hiệp định thương mại, xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt trên 4 tỷ USD, rau quả hơn 5 tỷ USD, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thông tin trên được Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ tại triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thủy sản, sáng 11/10 tại TP HCM.
Theo ông Tiến, nông nghiệp đang là bệ đỡ của nền kinh tế. Sản phẩm trong ngành ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Việt Nam chỉ có 11 triệu ha dùng làm đất nông nghiệp nhưng đảm bảo tốt vai trò an ninh lương thực trong nước và cung ứng ra thế giới.
Ông dẫn chứng, 9 tháng đầu năm, Việt Nam sản xuất ra 33,6 triệu tấn lúa, trong đó xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, đạt 3,6 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng đầu thế giới. Tương tự xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt 4,2 tỷ USD. Riêng với xuất khẩu cà phê, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi cũng lần lượt tăng trưởng 2-26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ các doanh nghiệp cũng cho thấy cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm còn lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Trong đó, Indonesia đang mở thầu 500.000 tấn gạo, Philippines tăng mua trở lại sau lệnh gỡ giá trần gạo. Đặc biệt, sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Với nhóm cà phê, tiêu, rau quả nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu tăng cao nên các sản phẩm này tiếp tục bứt phá những tháng cuối năm.
Sắp tới, để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục đàm phán để đưa nhiều sản phẩm xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…
Bộ đang hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản chủ lực vào nhiều thị trường. “Trước động thái tích cực, nhóm nông sản và chăn nuôi sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu gạo có thể đạt trên 4 tỷ USD, rau quả hơn5 tỷ USD”, ông Tiến nói.
Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh và nhu cầu thực phẩm đòi hỏi tăng về số lượng và chất lượng, lãnh đạo Bộ khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào chế biến, sản xuất để tăng năng suất. Triển lãm quốc tế về các thiết bị phục vụ trong chăn nuôi tại TP HCM là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với các công nghệ hiện đại, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang làm ảnh hưởng đến tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm trên toàn cầu nên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xanh để giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Thống kê của Bộ cho thấy, tổng đàn heo của Việt Nam đạt 29,1 triệu con – đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn; thủy cầm đứng thứ 2 thế giới với hơn 100 triệu con; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 21,5 triệu tấn – đứng số 1 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới và xuất mật ong lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Triển lãm đầu ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam diễn ra ngày 11-13/10 tại SECC, quận 7 (TP HCM). Triển lãm có sự tham gia của hơn 350 đơn vị, thu hút hơn 11.000 khách tham quan đến từ hơn 30 quốc gia vùng lãnh thổ.
Thi Hà