Baoquocte.vn. GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh, thanh lịch không chỉ tới từng người dân đang sinh sống tại Thủ đô mà còn hướng tới bạn bè quốc tế, đưa bản sắc Hà Nội hội nhập quốc tế.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh, thanh lịch của người dân Thủ đô, hướng tới bạn bè quốc tế, đưa bản sắc Hà Nội hội nhập quốc tế. (Ảnh: NVCC) |
Có một Hà Nội văn minh, thanh lịch
Chương trình số 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Giáo sư đánh giá thế nào về vấn đề phát triển văn hóa, con người Hà Nội hiện nay?
Với vị thế là Thủ đô của cả nước, vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang được Đảng bộ, nhân dân Hà Nội coi trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của tiến trình đổi mới Thủ đô, đất nước.
Có thể nói, chính yếu tố thanh lịch của người Hà Nội là nền tảng cho sự hội nhập, mang tính hài hòa và đa dạng hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng và trên thế giới ngày nay. Cũng chính từ yếu tố này, người Hà Nội có thể hòa nhập sâu rộng nhưng không hòa tan. Bởi đó là bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của người Hà Nội vốn có từ lâu đời.
Xã hội đã có nhiều thay đổi, thế hệ trẻ ngày càng tự tin hơn trong lời ăn tiếng nói lẫn hành động. Các em không còn giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm cho riêng mình. Có lẽ, các em bị ảnh hưởng một phần bởi cuộc sống hiện đại, của công nghệ, phần khác đến từ giáo dục gia đình.
Mặc dù đó không phải là tất cả nhưng là một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Do vậy, việc phát triển văn hóa, con người nói chung, Hà Nội nói riêng là vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay.
Ông cảm nhận gì về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội?
Người Hà Nội chọn cho mình lối sống giản đơn, bình dị; từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp và ứng xử. Không quá lời khi nói người Hà Nội ứng xử văn minh, nho nhã, lối sống văn minh, lịch thiệp. Họ thể hiện tính thanh lịch trong lời ăn tiếng nói.
Với những gia đình lâu đời ở Hà Nội có nhiều thế hệ cùng chung sống, họ có nếp sống khá điển hình từ sinh hoạt gia đình, cư xử giữa các thành viên, cho đến giáo dục con cái. Người Hà Nội sống chân thành. Theo tôi, đó là đức tính tốt mà các bạn trẻ bây giờ nên học tập. Đặc biệt, người Hà Nội có tinh thần trách nhiệm cao, có tình có lý, không có thói quen đố kỵ với người khác. Có lẽ, đó là yếu tố làm nên tính cách thanh lịch cho người Hà Nội.
Xã hội hiện đại đã thay đổi quá nhiều, truyền thống văn hóa gia đình không còn như xưa. Các thành viên trong gia đình có cuộc sống độc lập. Họ tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người, không ràng buộc nhau bởi lễ giáo phong kiến. Dù không chung sống trong một ngôi nhà, nhưng có thể nói, người Hà Nội vẫn coi trọng gia đình và theo tôi, đó là nét văn hóa đẹp, đáng trân trọng.
Khung cảnh yên bình, tĩnh lặng của Hà Nội – đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. (Nguồn: TTXVN) |
Phát triển văn hóa – nhiệm vụ đầu tiên của chương trình bao quát nhiều nội dung quan trọng như môi trường văn hóa, di sản văn hóa, du lịch… một lần nữa cho thấy tính nhất quán của mục tiêu đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô thế nào, theo ông?
Ngay từ năm 2017, trước khi Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai thì UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hai bộ quy tắc ứng xử bao gồm: “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa người Hà Nội” với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến chuẩn mực văn hóa người Hà Nội. Điều này cho thấy sự quan tâm rốt ráo của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Sau hơn 5 năm triển khai, có thể nói, hai bộ quy tắc ứng xử đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa mới. Xác định xây dựng văn hóa, con người luôn là một trong những ưu tiên của Hà Nội, đồng thời, thành phố cũng đang lan tỏa sâu rộng hơn nữa hai bộ quy tắc ứng xử đến đông đảo các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn.
Văn hóa mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần còn lại sau thời gian, được cộng đồng xã hội tự nguyện lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua các chuỗi sự kiện trong đời sống hằng ngày.
Theo tôi, các bạn trẻ phải phấn đấu trở thành những người có văn hóa. Việc giáo dục nét đẹp thanh lịch, văn minh của người dân Thủ đô trong thời đại mới cũng cần thay đổi sao cho phù hợp với thời đại, vừa giữ được nét truyên thống nhưng vẫn phù hợp với hiện tại, nhất là sự tác động mạnh mẽ của công nghệ.
Từ những trải nghiệm của gia đình mình, theo ông, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên để hình thành nhân cách của mỗi con người thế nào?
Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình mà mẹ xuất thân là người Hà Nội. Chúng tôi học được rất nhiều điều từ cha mẹ mình. Đó là tình thương yêu, tính khiêm tốn và thẳng thắn. Chúng tôi đến lượt mình đều muốn truyền đạt cho con cháu những đức tính đó.
Vậy nên, tôi đánh giá rất cao giá trị gia đình trong việc xây dựng con người văn minh, thanh lịch. Các bạn trẻ đang tuổi trưởng thành nên cần học cái tốt và loại bỏ những thói quen xấu. Cần nhớ rằng, sống trên đời đôi lúc chúng ta vẫn phải làm những công việc mình thấy ngại, vẫn phải gặp những người mình không thích và cần phải kiềm chế làm những việc mình rất muốn làm.
Ông có thể kể về những câu chuyện, kỷ niệm khi gắn bó với mảnh đất Thủ đô?
Tôi về Hà Nội ngay sau Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Sau này, tôi vẫn hình dung tới không khí của ngày ấy như lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao:
“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”
Ngày ấy, chúng tôi vào đại học mà không qua bất kỳ cuộc thi nào, vì khi đó đâu có nhiều học sinh dự thi. Chúng tôi sống ở khu Việt Nam học xá (nơi Đại học Bách khoa bây giờ). Sáng chỉ ăn tạm củ khoai, củ sắn, rồi đi bộ mỗi ngày 4 lần để đi học tại trên 19 Lê Thánh Tông. Vậy mà, chúng tôi đều chăm chỉ học tập và sau này đã trở thành lớp cán bộ cốt cán của nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu.
Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. (Nguồn: Sở VH&TT Hà Nội) |
Văn hóa Thủ đô trong “dòng chảy” hội nhập
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cần thiết ra sao, dưới góc nhìn của ông?
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế dẫn đến toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về văn hóa, đòi hỏi phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội cho phát triển nền kinh tế số, xã hội số, văn hóa số, sản xuất và dịch vụ thông minh.
Ngày nay, chúng ta đã nói nhiều đến phát triển công nghiệp sáng tạo, “công nghiệp văn hóa”. Phát triển ngành “công nghiệp văn hóa” đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới và nước ta hiện nay.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, khoa học đang làm thay đổi cuộc sống, tuy nhiên, rất nhiều thứ cần duy trì, đó là các giá trị văn hóa. Do vậy, thế hệ trẻ phải góp sức mình vào việc giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh kiến thức, các bạn trẻ cần phát triển kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp và xử lý mối quan hệ xã hội. Thời gian cho mọi người cơ hội như nhau, nhưng cách chúng ta đối xử, sử dụng thời gian thì lại khác nhau. Ai đó nói, thời gian là đồng xu giá trị nhất trong cuộc đời bạn…
Theo ông, làm sao để mục tiêu “phát triển văn hóa là vì sự hoàn thiện nhân cách con người, và xây dựng con người để phát triển văn hóa” của Hà Nội đạt được những thành quả tích cực hơn nữa?
Có thể khẳng định, hiện nay, Hà Nội đang giao thoa giữa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Vậy nên, việc dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người xưa là điều cần thiết.
Từ đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị quan trọng, đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được đề cập tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành tháng 5/2022.
Theo tôi, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, định hướng xã hội. Do vậy, cần lan tỏa mạnh mẽ nếp sống văn minh, thanh lịch không chỉ tới từng người dân đang sinh sống tại Thủ đô mà còn hướng tới bạn bè quốc tế, đưa bản sắc Hà Nội hội nhập quốc tế.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự nghiệp phát triển văn hóa gắn liền với sự hoàn thành nhân cách, xây dựng con người mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.
Do đó, chúng ta thấy rằng, muốn xây dựng một xã hội ngày càng phát triển thì yếu tố con người luôn đóng vai trò then chốt bởi vì những con người tiêu biểu đại diện cho sự phát triển xã hội của nó. Lịch sử thường gọi nó là “thời đại” và “con người của thời đại”.
Chúng ta đã có đầy đủ trong tay cả về mặt thời điểm cũng như cơ hội, nhưng yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Nếu không có sự đào tạo, chuẩn bị thì chúng ta sẽ mất đi một lực lượng kế cận, một nguồn chất xám cần thiết để xây dựng và phát triển đất nước.
Xin cảm ơn Giáo sư!