SGGPO
Sáng 10-10, tại Hội nghị giao ban hiệu trưởng các trường THPT công lập năm học 2023-2024 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, băn khoăn xung quanh việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, sắp xếp thời khóa biểu đối với các hoạt động ngoại khóa một lần nữa được cơ quan quản lý làm rõ.
Trường học kiến nghị phương án linh hoạt
Phát biểu tại hội nghị giao ban, bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây nêu ý kiến, đối với việc triển khai các hoạt động giáo dục trong nhà trường, ngoài yếu tố đúng – sai căn cứ theo các quy định, văn bản hướng dẫn hiện hành, cần cân nhắc thêm yếu tố nên hay không nên, làm thế nào để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ huynh và học sinh.
Toàn cảnh hội nghị giao ban sáng 10-10 |
Giải thích rõ hơn điều này, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12) bày tỏ: “Trong hàng ngàn giáo viên chủ nhiệm đang công tác trên địa bàn thành phố, sẽ có người hiểu đúng tinh thần các hướng dẫn và chỉ đạo, có người chưa. Chưa kể, có nơi làm đúng quy định nhưng chưa chắc phù hợp tình hình thực tế”.
Đại diện Trường THPT Thạnh Lộc cho biết, hiện nay theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường sẽ đồng loạt điều chỉnh thời khóa biểu không quá 9 tiết/ngày. Tuy nhiên, hiệu trưởng này tâm tư, điều chỉnh lại theo đúng quy định thì dễ nhưng quan trọng việc đó có đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của học sinh không.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) lý giải, hiện nay chương trình chính khóa quy định trung bình 30 tiết/tuần đối với cấp THPT. Cùng với đó, chương trình buổi 2 quy định từ 6-8 tiết/tuần, chương trình nhà trường (tùy tình hình thực tế ở mỗi đơn vị) từ 4-6 tiết.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) Đỗ Đình Đảo phát biểu tại hội nghị giao ban |
Như vậy, yêu cầu thời khóa biểu không quá 9 tiết/ngày rất khó thực hiện, nếu điều chỉnh theo hướng không quá 8 tiết/ngày thì buộc các trường phải xếp thời khóa biểu vào thứ 7.
“Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến từng cha mẹ học sinh, tất cả phụ huynh đều đồng thuận xếp 9 tiết/ngày chứ không muốn học sinh đi học vào thứ 7. Thiết nghĩ, nếu ngành giáo dục đã giao quyền tự chủ cho các trường thì nên có cơ chế mở”, thầy Đỗ Đình Đảo nêu ý kiến.
Quan tâm nhu cầu thực tế của phụ huynh
Đáp lại băn khoăn của các trường, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, làm sao để vừa thực hiện đúng quy định vừa hợp tình hợp lý, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh là nghệ thuật của người hiệu trưởng.
“Dạy học quá tải sẽ không mang lại hiệu quả cho học sinh, mà chỉ nên vừa sức. Hiện nay, quy định thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày, dạy học từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần đã được Bộ GD-ĐT quy định chung trong cả nước nên các trường cần chấp hành, không nên tăng tải cho học sinh”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Theo đó, ông Lê Duy Tân gợi ý một trong nhiều phương án giảm tải là các trường cân đối thời khóa biểu, giảm hoạt động trong chương trình nhà trường đối với học sinh cuối cấp (khối 12).
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cách đây hàng chục năm về trước, học sinh chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa. Tuy nhiên, cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, nhu cầu bổ trợ kiến thức, kỹ năng thực tế cho học sinh được đưa thêm vào chương trình nhà trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Hiện nay, TPHCM đang triển khai nhiều đề án quan trọng về nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh phổ thông, chưa kể chỉ đạo từ các bộ ngành về tăng cường hoạt động giáo dục STEM, kỹ năng sống…
“Các trường cần cân đối, hiểu rõ cái gì cần làm, dung lượng bao nhiêu là đủ và khi triển khai phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Vì vậy, công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm sao cho đội ngũ giáo viên hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, chính sách, từ đó tiếp tục truyền thông cho phụ huynh”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.
Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) Trần Khắc Huy yêu cầu các trường học không được triển khai thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định 26 nội dung thu đã được HĐND TPHCM thông qua tại Nghị quyết 04 về quy định khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024. Trong đó, đối với từng khoản thu phải lập dự toán thu chi rõ ràng, không cứng nhắc áp dụng mức thu tối đa theo quy định, thực hiện “thu đủ, chi đủ”, không để phát sinh các nguồn thu bất hợp lý, không thu các loại quỹ trường, quỹ lớp.