ANTD.VN – Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng lượng tiền lớn khỏi hệ thống, cùng với tín hiệu khởi sắc trong hoạt động cho vay, đã khiến thanh khoản các ngân hàng không còn quá dư thừa, lãi suất theo đó đã tăng mạnh trở lại trên hệ thống liên ngân hàng.
Theo dữ liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 4/10, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn chủ chốt là qua đêm (chiếm tới trên 90% giá trị giao dịch trên thị trường liên ngân hàng) đã tăng lên 1,13%/năm, tăng tới gấp 9 lần so với cuối tuần trước (0,15%/năm vào ngày 28/9).
Tương tự, đa phần các kỳ hạn khác cũng tăng khá mạnh. Như kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng tăng lần lượt lên 1,22%/năm, 1,88%/năm và 1,52%/năm (từ các mức lần lượt 0,3%/năm; 0,55%/năm và 1,14%/năm ngày 28/9). Kỳ hạn 9 tháng tăng từ 6,62%/năm lên 7,32%/năm.
Riêng 2 kỳ hạn 6 tháng và 6 tháng lại giảm nhẹ, trong đó, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,07%/năm xuống 3,32%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,75%/năm xuống 4,7%/năm.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng không còn quá dư thừa |
Diễn biến tăng mạnh lãi suất trên thị trường liên ngân hàng là sự phản ánh việc thanh khoản thị trường đã bớt dư thừa khi NHNN liên tục hút tiền về. Đây cũng là mục tiêu của nhà điều hành, nhằm giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, qua đó gián tiếp hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Trong phiên giao dịch 5/10, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày với khối lượng trúng thầu đạt gần 10.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 11 phiên hút tiền liên tục qua tín phiếu, nhà điều hành đã thu về từ hệ thống gần130.700 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào phiên 21/9 sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Không chỉ lãi suất liên ngân hàng mà lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng liên tục tăng trong những phiên gần đây. Tính tới phiên giao dịch 4/10 và 5/10, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng lên mức 1,3%, tăng hơn gấp đôi so với những phiên đầu tiên và ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu đợt phát hành.
Cùng với đó, số lượng thành viên tham gia đấu thầu tín phiếu giảm xuống còn 4 – 9 thành viên so với mức 11 – 17 thành viên trong những phiên chào thầu đầu tiên đồng thời quy mô trúng thầu có xu hướng thu hẹp.
Việc NHNN sử dụng công cụ tín phiếu để hút thanh khoản về diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có sự bứt phá những ngày gần đây, càng khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào.
Theo dữ liệu của cơ quan này, tính đến ngày 29/9, quy mô tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với đầu năm và cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%).
Trước đó, cơ quan quản lý từng cho biết đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9% so với đầu năm, đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 8 ngày cuối tháng 9, tín dụng tăng được 1%, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Dù vậy, diễn biến này vẫn chưa ảnh hưởng đến huy động vốn trên thị trường dân cư. Thậm chí, mới đây Vietcombank đã tiếp tục thông báo giảm thêm lãi suất huy động, xuống mức tối đa chỉ còn 5,3%/năm. Ba ngân hàng quốc doanh còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank) vẫn giữ lãi suất tối đa 5,5%/năm.