Trung Quốc – nổi tiếng với sức mạnh kinh tế và những động thái chiến lược trên trường toàn cầu – một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới với bước đi mới nhất của ngân hàng trung ương nước này.
Dữ liệu chính thức do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm 7/10 cho thấy, dự trữ vàng của gã khổng lồ châu Á đã tăng trong tháng thứ 11 liên tiếp vào tháng 9 sau khi 840.000 troy ounce vàng, tương đương 26 tấn vàng thỏi, được bổ sung thêm.
Một phần của xu hướng toàn cầu lớn hơn
Theo đó, khối lượng kim loại quý do PBoC nắm giữ chiếm hơn 4% tổng tài sản dự trữ của Trung Quốc. Tổng dự trữ vàng của quốc gia Đông Á hiện ở mức 2.191 tấn, với khoảng 217 tấn được bổ sung trong các đợt mua vào bắt đầu từ tháng 11/2022.
“Rất có khả năng PBoC sẽ tăng thêm dự trữ vàng của mình”, ông Huang Jun, nhà phân tích tại sàn giao dịch tài chính FXTM, được truyền thông Trung Quốc dẫn lời cho biết hồi tháng 9. “Khi Trung Quốc giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ, nước này cần tăng nắm giữ các tài sản khác và vàng là tài sản tín dụng chất lượng cao, hiếm có trong môi trường hiện nay”.
Theo nhà phân tích, xu hướng Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác tăng cường dự trữ vàng có thể tiếp tục hỗ trợ giá của loại kim loại quý này trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng có thể chịu áp lực từ đồng USD, ông Huang nói thêm.
Trong khi đó, ông Sun Xiaoji, học giả và tác giả chuyên viết về tài chính Trung Quốc, cho rằng ngân hàng trung ương nước này đang tích cực tăng lượng nắm giữ vàng vì không loại trừ kịch bản Bắc Kinh có thể bị trục xuất khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng USD, giống như đã xảy ra với Moscow kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Tăng dự trữ vàng của PBoC cũng là một phần của xu hướng toàn cầu lớn hơn. Nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng cường mua kim loại quý này, với lượng mua ròng đạt mức kỷ lục 387 tấn trong nửa đầu năm nay.
Động thái hướng tới vàng được coi là một quyết định chiến lược nhằm đa dạng hóa các khoản dự trữ khỏi đồng USD và ổn định tỉ giá hối đoái. Điều này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh biến động ngày càng tăng và suy thoái kinh tế ở châu Âu và Mỹ – những yếu tố thúc đẩy nhu cầu về vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Thương mại nhiều hơn bằng đồng nội tệ
Sự gia tăng dự trữ vàng của Trung Quốc không chỉ là “sản phẩm phụ” của các xu hướng toàn cầu. Nó cũng gắn chặt với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Vị trí thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế từ lâu đã là một điểm gây tranh cãi đối với Trung Quốc.
Nền kinh tế số 2 thế giới đang nỗ lực thúc đẩy thương mại nhiều hơn bằng đồng tiền của mình (đồng nhân dân tệ), và tăng cường quan hệ với các quốc gia khác như các quốc gia BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng việc tăng dự trữ vàng không chỉ giúp ổn định tỉ giá hối đoái mà còn tăng cường sức mạnh mềm của một quốc gia. Nó hỗ trợ quốc tế hóa tiền tệ của họ – một mục tiêu mà Trung Quốc đang hướng tới. Họ kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới, và các quốc gia khác có thể sẽ làm theo và tăng dự trữ vàng của họ.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường quan hệ với các nước BRICS và sau này là BRICS+, cũng như thúc đẩy giao thương nhiều hơn bằng đồng nội tệ của các nước này, nhu cầu về vàng dự kiến sẽ tăng hơn nữa.
Sự gia tăng liên tục trong dự trữ vàng của Trung Quốc có thể có tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu. Nó có khả năng làm thay đổi động lực của thị trường vàng toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cả và mô hình nhu cầu.
Hơn nữa, nó cũng có thể tác động đến sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế, đặc biệt nếu các quốc gia khác nối bước Trung Quốc. Khi thế giới chờ xem tình hình này diễn ra như thế nào, có một điều chắc chắn: Chuỗi tăng dự trữ vàng của Trung Quốc không chỉ là một chuỗi hành động; đó là một chiến lược được tính toán cẩn thận với những tác động sâu rộng.
Minh Đức (Theo BNN Breaking, Sputnik)