thach thao 12 1.jpeg

Người Chăm Bà Ni tại Phan Rang (Ninh Thuận) đến nay vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Hôn nhân của ai đó nếu muốn được dân làng công nhận là vợ chồng thì phải tổ chức lễ cưới truyền thống (tiếng Chăm là Đam Likhah hay Đam Bbang Mưnhum), được vị sư cả và chức sắc trong làng chúc phúc. Tục cưới hỏi của người Chăm Bà Ni thể hiện vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ có quyền “bắt chồng”.

W-thach-thao-3-1.jpg

Sân bên phía nhà gái dựng lên một rạp lễ làm bằng tre nứa (gọi là Kajang likhah) để khởi đầu cho nghi thức kết hôn chính thức. Đám cưới của cộng đồng người Chăm được tổ chức vào các tháng 3, 6, 10 và 11 (Chăm lịch). Vào ngày này, lúc 3h sáng gia đình nhà gái đã phải chuẩn bị lễ nghi, thực phẩm.

W-thach-thao-28-1.jpg

Qua thời gian, đám cưới Chăm xưa với nay khác nhau không nhiều, từ phong tục tới lễ nghi với lễ vật đơn sơ: trầu cau, rượu, bánh trái và đặc biệt là có cá đuối ikan yau – tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

W-thach-thao-16-1.jpg

Hôn nhân ở dân tộc Chăm thông qua một ông hoặc bà mối. Trước đó, người này mang ít vàng, bạc, hai hũ rượu… đến gia đình có con gái để cầu hôn. Nếu thuận, hai bên định ngày cưới. Trong ngày thành hôn, con trai cùng khách khứa, họ hàng qua nhà gái. Và tất cả cùng tụ họp ăn uống, nhảy múa, ca hát…

thach thao 9 1.jpeg

Theo chế độ mẫu hệ, toàn bộ việc dạm ngõ, ăn hỏi, tổ chức lễ cưới đều do nhà gái chủ động. Sau chính lễ, chàng trai sẽ ở rể tại nhà vợ.

thach thao 26 1.jpeg

Trong ảnh, cô dâu Thành Phương Ái Như chuẩn bị trang điểm, mặc quần áo truyền thống trong ngày trọng đại.

thach thao 11 1.jpeg

Ái Như và Đạo Văn Hòa trong bộ đồ cưới truyền thống. Trang phục ngày hôm nay, cô dâu mặc áo dài Chăm, trùm đầu bằng một tấm vải, che kín xuống lưng, chỉ để lộ phần gương mặt. Còn chú rể mặc sarong quấn khăn trên đầu có tua hai bên, toàn bộ đều màu trắng.

thach thao 13 1.jpeg

Chú rể Đạo Văn Hòa dùng chén bạc, múc nước tại nhà cô dâu để rửa tay, rửa chân 3 lần làm phép theo kinh Koran với hàm ý sạch sẽ trước khi bước vào rạp hành lễ.

thach thao 29 1.jpeg

Cô dâu, chú rể tiến vào hành lễ trong rạp Kajang likhah. Khi các vị tu sĩ làm lễ đốt trầm hương, chú rể đưa tay cho sư cả để làm lễ rửa tội. Sư cả và các giáo sĩ đọc kinh Koran xin phép với vị thánh Alla cho hai người trẻ thành đôi.

thach thao 19 1.jpeg

Lễ cưới sau đó được diễn ra ở phòng khách của nhà gái. Ở đây, chú rể được dẫn vào phòng cô dâu làm các lễ nghi truyền thống: hai bên trao trầu cau cho nhau, chàng rể trao áo cho cô dâu… Cô dâu đưa miếng trầu cau bỏ vào miệng chồng với ý nghĩa từ nay cô gái sẽ lo cho chàng trai ăn uống đầy đủ.

W-thach-thao-24-1.jpg

Lần lượt cô dâu, chú rể được trao nhẫn cưới sau khi nói “đồng ý” lấy người kia. Nhẫn cưới đã được các thầy sư làm phép trước đó.

W-thach-thao-27-1.jpg

3 ngày đêm đầu được gọi là thời gian làm lễ động phòng. Lúc này vợ chồng nằm ngủ không chung chăn gối, sinh hoạt ăn uống trong phòng và có người ngồi giám sát.

W-thach-thao-32-2.jpg

Sự xuất hiện của những em bé trong đám cưới người Chăm Bà Ni cũng là điều quan trọng, mang ý nghĩa chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sau này sẽ được con cháu đầy đàn.

W-thach-thao-31-1.jpg

Lễ thức của họ thường đơn giản. Sau khi đôi trẻ được công nhận là vợ chồng, gia đình hai bên sẽ ngồi lại dùng tiệc trà, nhắm rượu cá đuối khô đến cuối ngày.

To Le Cung – Thạch Thảo