Dịch vụ được đón nhận
Anh Hồ Đắc Trung (chủ cơ sở mai táng thú cưng tại TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, nhu cầu dịch vụ này so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 40%.
Trong năm 2023, anh Trung tiếp nhận trung bình 25-30 ca/tuần. Thời gian xử lý mỗi ca rơi vào khoảng 3 giờ, với mức giá dao động từ 540.000 đến 3,9 triệu đồng/ca.
Mức giá cao nhất bao gồm các dịch vụ như khâm liệm, hỏa táng, tổ chức lễ tang. Trong trường hợp chủ của thú cưng không có nhu cầu tổ chức lễ tang, giá tối đa sẽ là 2,9 triệu đồng tùy theo số cân nặng của vật nuôi.
“Sau dịch Covid-19, dường như mọi người sống tình cảm, quyến luyến, yêu thương vật nuôi của mình hơn. Họ không muốn nhìn thấy cảnh người bạn đã đồng hành hơn 10 năm, thậm chí là 20 năm bị vứt trong thùng rác. Vì thế, họ sẵn sàng chi tiền để được giữ phần tro cốt của vật nuôi như thứ để tưởng niệm”, anh Trung nói.
Khách hàng tại công ty thường là sinh viên, nhân viên văn phòng có mức sống, thu nhập trung bình khá trở lên. Với người trẻ, sinh viên không đủ điều kiện, anh Trung vẫn xem xét hỗ trợ mai táng và chỉ lấy chi phí xăng xe. Đặc biệt, một số khách hàng đã đi nước ngoài để lại vật nuôi nhờ gia đình chăm sóc, cũng liên hệ cơ sở mai táng, đặt trước dịch vụ “hậu sự” khi vật nuôi qua đời.
Khi tiếp nhận thông tin từ khách hàng, Trung và đội ngũ đến nhà khách hàng để nhận xác vật nuôi, chờ người chủ nhìn mặt, vuốt ve thú cưng lần cuối.
Sau đó, anh mang về cơ sở xử lý để giữ lại phần lông, móng chân vật nuôi, cho vào lọ thủy tinh để làm vật kỷ niệm cho chủ. Ở bước khâm liệm, nhân viên cơ sở sẽ dùng cồn lau sạch thú cưng rồi sấy khô lông, xịt nước hoa. Sau đó, mỗi con vật sẽ được bôi mực vào chân rồi in lên giấy chứng nhận đã sử dụng dịch vụ.
Cuối cùng, thú cưng được mang vào lò thiêu trong khoảng 1-3 giờ ngay tại cơ sở mai táng. Đây là một loại lò thiêu được thiết kế đơn giản, với chất liệu cách nhiệt, tạo buồng đốt đủ nóng cho việc hỏa táng. Mọi quy trình đều được chụp ảnh, quay video để gửi chủ vật nuôi xem lại.
Chứng kiến nhiều người chủ than khóc về sự ra đi của thú cưng, anh Trung nhiều lần xúc động nhưng phải kiềm chế bởi đây là một công việc đặc thù. Người tổ chức mai táng thú cưng phải giữ thái độ điềm tĩnh, tạo niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho người chủ.
“Khi còn là sinh viên, tôi từng phải bỏ thú cưng đã qua đời vào thùng rác vì không thể xử lý theo cách nào khác. Lúc đó tôi rất buồn và ám ảnh nhiều ngày liền. Đó cũng là việc khiến tôi nảy ra ý tưởng mở cơ sở mai táng vật nuôi”, anh Trung bộc bạch.
Lần gần đây, anh từng tổ chức mai táng cho hai chú chó qua đời vì sự cố rò điện. Anh Trung đặc biệt xúc động bởi hai chú chó này giúp cứu mạng chủ.
Dù chỉ mở cửa 12 giờ/ngày, cơ sở mai táng thú cưng của anh Nguyễn Phú Quý (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) tiếp nhận hơn 250 ca/tháng, trung bình 7-10 ca/ngày. Con số này tăng gấp 3 so với thời điểm 3 năm trước, khi anh Quý mới mở dịch vụ này.
Với phương thức tương tự như anh Trung, mức giá tại cơ sở của Quý dao động 550.000-1.850.000 đồng. Với những vật nuôi có cân nặng trên 15kg, mức giá sẽ cao hơn.
Theo chủ cơ sở mai táng, ý thức của thế hệ trẻ trong việc nuôi và chôn cất thú cưng ngày càng cao, khi người chủ luôn xem vật nuôi là thành viên trong gia đình. Bản thân họ cũng không muốn thú cưng bị vứt bỏ ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
“Cơ sở cách xa trung tâm thành phố nên mất tầm 30 phút đến 2 tiếng di chuyển, còn thời gian xử lý mai táng không quá lâu. Nhu cầu về dịch vụ mai táng thú cưng tăng cao do chi phí hợp lý, rẻ hơn so với việc chôn cất bởi TPHCM rất hiếm nghĩa trang cho vật nuôi”, anh Quý chia sẻ.
Nghề chuyên nghiệp
Chị Lâm Nhã Ca (34 tuổi, ngụ TPHCM) vẫn chưa quên được khoảnh khắc chú chó mình nuôi 13 năm chết vì bệnh viêm phổi.
Chia tay chú chó trong đau đớn, chị Ca không muốn người bạn đồng hành thân thiết phải nằm trong thùng rác. Vì thế, chị đã tìm kiếm dịch vụ mai táng thú cưng trên địa bàn thành phố.
Sau khi đồng ý về giá cả, phương thức thực hiện, đơn vị mai táng nhanh chóng có mặt tại nhà chị Ca trong 1 giờ. Chị Ca không chứng kiến trực tiếp quá trình khâm liệm, hỏa táng chú chó mà xem qua video, hình ảnh mà đơn vị mai táng ghi lại.
“Tôi rất xúc động khi xem những hình ảnh đó. Dù rất đau buồn, tôi vẫn cảm thấy được an ủi khi những người làm dịch vụ này tận tình chăm lo cho chú cho của tôi”, chị Ca nhớ lại.
Nhận được hũ tro cốt của thú cưng trong chưa đầy 3 giờ sau đó, chị Ca mang về quê ở Bến Tre để tưởng niệm.
“Theo như tôi nhớ thì mức giá tầm 1 triệu đồng, khá phù hợp. Tôi nuôi chú chó lâu năm, rất thương yêu nên muốn thú cưng được chăm chút, hỏa táng tử tế, phần cũng vì muốn bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng tới người khác về việc mình nuôi chó”, chị Ca chia sẻ.
Chị Thùy Khanh (31 tuổi, ngụ TPHCM) cũng vừa chi 1,8 triệu đồng để mai táng cho chú chó đã nuôi 12 năm. Chú chó già được phát hiện bị ung thư chân trước, đột quỵ rồi liệt hoàn toàn.
Chị cho biết, quá trình từ lúc liên hệ dịch vụ mai táng cho tới khi nhận lại tro cốt chú chó chỉ trong ngày. Mọi khâu đều được công ty dịch vụ làm hết, chị Khanh nhận được hũ tro cốt của chú chó và giấy chứng nhận đã sử dụng dịch vụ.
“Mức giá rất xứng đáng với chất lượng dịch vụ, nhân viên cũng nhiệt tình. Chú chó là một thành viên của gia đình nên tôi không muốn vứt bỏ ở đâu đó”, chị Khanh chia sẻ.
Tại Trung Quốc, dịch vụ mai táng cho thú cưng được đánh giá là một công việc cho thu nhập cao do nhu cầu ngày càng lớn của người dân.
Tại Bắc Kinh, dịch vụ này có mức giá dao động từ 866-1.798 NDT (khoảng 2,8-5,9 triệu đồng). Ở Thượng Hải, chi phí dao động từ 664-1.900 (khoảng 2,1-6,2 triệu đồng).
Một số trường đại học ở nước này cũng có chuyên ngành đào tạo liên quan đến tang lễ.