Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, kháng sinh là vũ khí quan trọng trong điều trị; do đó trong BV, các y bác sĩ phối hợp các dược sĩ trong việc kê đơn thuốc, thông tin thuốc, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả đối với người bệnh giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí, kiểm soát gia tăng kháng kháng sinh.
Tại BV đa khoa Đức Giang, giám đốc BV cho biết, mức tiêu thụ kháng sinh ưu tiên quản lý chỉ chiếm 17,77% kháng sinh sử dụng nội trú tại BV này trong 6 tháng đầu năm nay, là mức thấp nhất trong ngành y tế thủ đô. Để có được kết quả này, thời gian qua, BV đã lập Ban quản lý sử dụng kháng sinh; triển khai hỗ trợ cảnh báo kê đơn trên phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phát thuốc…
BV cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn để nâng cao kiến thức về sử dụng thuốc hợp lý an toàn về kê đơn chỉ định dùng kháng sinh, dự phòng kháng sinh, lựa chọn kháng sinh, thời điểm sử dụng chính xác và hiệu quả…
Đặc biệt, BV đã ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế mô hình dùng thuốc cho từng nhóm bệnh, cá thể hóa việc sử dụng thuốc.
Theo Bộ Y tế, kháng sinh cần ưu tiên quản lý gồm 2 nhóm: Nhóm 1 là kháng sinh dự trữ, thuộc một trong các trường hợp sau: lựa chọn cuối cùng trong điều trị các nhiễm trùng nặng khi đã thất bại hoặc kém đáp ứng với các phác đồ kháng sinh trước đó; lựa chọn điều trị các nhiễm khuẩn nghi ngờ hoặc có bằng chứng vi sinh xác định do vi sinh vật đa kháng; kháng sinh để điều trị các nhiễm khuẩn nặng do vi sinh vật kháng thuốc, có nguy cơ bị đề kháng cao nếu sử dụng rộng rãi, cần cân nhắc chỉ định phù hợp; kháng sinh có độc tính cao cần giám sát nồng độ điều trị thông qua nồng độ thuốc trong máu, hoặc giám sát chặt chẽ về lâm sàng và xét nghiệm để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn và độc tính.
Nhóm 2 là kháng sinh được khuyến khích thực hiện chương trình giám sát sử dụng tại bệnh viện, bao gồm giám sát tiêu thụ kháng sinh, giám sát tỷ lệ đề kháng của vi khuẩn với kháng sinh, thực hiện các nghiên cứu đánh giá sử dụng thuốc để có can thiệp phù hợp.