Nhiều nội dung thi, VĐV Việt Nam đã có thể làm tốt hơn
Đoàn thể thao Việt Nam đã giành 3 HCV, 5 HCB và 18 HCĐ tại ASIAD 19 tính đến hết ngày thi đấu 7.10, đang tạm xếp thứ 21 toàn đoàn và thứ 6 Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Singapore. Dù đã xếp nhất Đông Nam Á ở hai kỳ SEA Games gần nhất, nhưng bước ra sân chơi châu Á, thể thao Việt Nam hiện đang đứng dưới nhiều nước trong khu vực.
Theo Cục trưởng Cục TDTT, trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 Đặng Hà Việt, có nhiều môn thi, nội dung thi mà các VĐV Việt Nam có thể làm tốt hơn.
“Đến thời điểm này tại ASIAD 19, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt 3 HCV, 5 HCB và 18 HCĐ. Về chỉ tiêu, chúng ta đã đạt trên 50% mức tối đa. Còn với mức chỉ tiêu tối thiểu, các VĐV đã hoàn thành. Trên khía cạnh chuyên môn, thực sự có nhiều điều để tiếc nuối. Thứ nhất, VĐV Nguyễn Thị Thật (môn đua xe đạp) dính đa chấn thương trước ASIAD 19, chỉ có thời gian 1 tháng tập luyện trở lại cho giải đấu. Trong thi đấu, Nguyễn Thị Thật đã rất quyết tâm để lấy HCV, đó là nỗ lực đáng khen. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm.
Tiếc nuối thứ hai là ở môn boxing, kỳ vọng rất lớn đặt vào VĐV Hà Thị Linh và Nguyễn Thị Tâm. Dù vậy, Nguyễn Thị Tâm dính chấn thương trước SEA Games 32, nên không đạt phong độ như mong muốn. Ở môn bắn súng, bên cạnh xạ thủ Phạm Quang Huy, chúng ta cũng trông chờ vào xạ thủ Hà Minh Thành với thành tích tập luyện khá ổn định. Tuy nhiên sự thay đổi thể lệ ở ASIAD (vòng chung kết thi đấu 2 lượt, chọn ra 2 VĐV) đòi hỏi sự ổn định và tâm lý thi đấu của VĐV. Quang Huy đã đạt được điều này để giành HCV.
Môn cầu mây đã đạt chỉ tiêu đề ra (1 HCV, 1 HCB). Ở môn cờ tướng, chúng ta kỳ vọng vào nội dung hỗn hợp, nhưng ở trận chung kết, các VĐV đã không thể hiện bản lĩnh. Ngoài ra, việc phải đi sau (do nắm quân đen) trước 2 kỳ thủ hàng đầu thế giới của Trung Quốc cũng là khó khăn”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
Thế lực ở Đông Nam Á nhưng…
Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng cho rằng trong thể thao, thành tích thi đấu còn phụ thuộc vào lá thăm may rủi cũng như bản lĩnh, đẳng cấp VĐV, nên có những rủi ro khó lường, không thể dự báo chính xác.
“Đánh giá tổng thể về thể thao Việt Nam, nếu so sánh các kỳ SEA Games trước với SEA Games 31 và 32, rõ ràng chúng ta là thế lực lớn của Đông Nam Á. Dù vậy, thành tích hiện tại ở ASIAD 19 của Việt Nam lại hạn chế so với khu vực. Điều này đã được dự báo từ trước. Do đó, đoàn Việt Nam chỉ đặt mục tiêu từ 2 đến 5 HCV. Rất nhiều nội dung thi ở ASIAD 19 liên quan đến bốc thăm (xác suất may rủi), hay bản lĩnh của VĐV trong thi đấu. Việc này, VĐV sẽ là người quyết định, nên đoàn Việt Nam không thể đặt ra con số huy chương chính xác.
Điều đáng mừng là VĐV Huy Hoàng đạt chuẩn A để tham dự Olympic Paris 2024. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Huy Hoàng, chỉ tiếc là chuyên gia của anh (ông Hoàng Quốc Huy, người Trung Quốc) đã không còn. Ông Huy đã đưa Huy Hoàng lên tầm cao mới. Giờ chúng ta chưa thể tìm được chuyên gia trình độ cao để đưa Huy Hoàng lên đỉnh cao Olympic”, ông Đặng Hà Việt chia sẻ.
Vấn đề mang tính hệ thống
Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, vấn đề của thể thao Việt Nam mang tính hệ thống. Muốn có VĐV giỏi, thể thao Việt Nam cần phát triển ở học đường, mở rộng quy mô tuyển chọn, đào tạo, không thể chỉ chăm chút phần ngọn.
“Trong vấn đề phát triển thể thao thành tích cao, không thể chỉ trong 1, 2 ngày mà chúng ta có những nhà vô địch ASIAD hay Olympic. Đây là câu chuyện cần hệ thống bài bản, bao gồm từ công tác giáo dục thể chất. Môn nào xác định là trọng điểm Olympic, chúng ta cần hệ thống tuyển chọn khắp 63 tỉnh thành, có hệ thống thi đấu ở các trường học từ cấp tiểu học,… từ đó chọn lựa nhiều VĐV tài năng ở cấp độ đó.
Hiện tại, ví dụ môn cầu mây chỉ có một nhóm nhỏ, một số nơi đầu tư, chúng ta không có hệ thống từ tiểu học, THCS, THPT hay đại học, nên quá trình này không gọi là đầu tư trọng điểm được. Cái gọi là “trọng điểm” thể thao Việt Nam hiện có chỉ là vấn đề chuyên gia, tập huấn, thi đấu, rằng VĐV càng thi đấu nhiều thì càng nâng cao trình độ. Tuy nhiên, những VĐV đó không phải những người có năng khiếu hay tài năng nhất. Việc tuyển chọn VĐV cũng như “đãi cát tìm vàng”. Chúng ta “đãi cát” ở 63 tỉnh thành, ở hệ thống thi đấu của các trường tiểu học, THCS, thể thao Việt Nam sẽ có nhiều VĐV”, Cục trưởng Đặng Hà Việt phân tích.
Ông Đặng Hà Việt cũng chia sẻ thêm: “Xu thế bây giờ của thể thao thành tích cao mang tới vấn đề tương đối bất lợi cho các nước Đông Nam Á, đó là các nội dung có hạng cân nhỏ đã bị đưa ra khỏi chương trình Olympic. Đơn cử hạng cân 56 kg của môn cử tạ là nội dung thể thao Việt Nam từng đầu tư để lấy huy chương, nhưng giờ không còn trong chương trình. Ngoài ra, thể thao Việt Nam đầu tư cho rowing, nhưng đến ASIAD 19, ban tổ chức lại không đưa thuyền nhẹ vào nội dung thi đấu.
Ở môn rowing, VĐV Việt Nam đa số thấp bé nhẹ cân và gặp bất lợi,… Giờ tìm được VĐV cao trên 1,8 m rất khó. Các môn thể thao hiện nay đều đòi hỏi chiều cao. Chúng ta đã có đề án cải thiện chiều cao cho người Việt Nam, nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ của giáo dục, y tế. Việc tuyển chọn VĐV do đó cũng rất khó khăn, trong đó có bóng đá nữ. Thời gian tới, đội tuyển nữ Philippines sẽ là thế lực mới ở Đông Nam Á bởi họ nhập tịch, có nhiều cầu thủ có chiều cao và thể lực, còn các lứa cầu thủ Việt Nam có chiều cao chưa đủ lý tưởng để hướng ra World Cup”.