- Thừa Thiên Huế: Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giúp bảo đảm an sinh xã hội
- Thừa Thiên Huế xử phạt nhiều doanh nghiệp vì chậm đóng bảo hiểm xã hội
Cuối tháng 9/2023, Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 7 công nhân, người lao động. 4 trong số 7 lao động vừa bị “sa thải” có sổ BHXH và đang bị công ty chậm đóng từ tháng 5/2019 đến nay.
Không chỉ những người bị cho thôi việc mà toàn bộ số lao động còn lại, kể cả lãnh đạo Nhà máy cũng bị chậm đóng BHXH.
Ngày 30/9/2023, nhiều người lao động từng làm việc tại Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương đã kéo đến nhà máy, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa phải đóng số tiền BHXH còn chậm để họ được hưởng các chế độ theo quy định.
Chị Cao Thị Lan Anh, người lao động đã gắn bó với Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương gần 13 năm cho biết, đến nay chị vẫn chưa được nhận chế độ thai sản dù con đã hơn 4 tuổi. “Năm 2019, tôi sinh con và hiện cháu đã đi học mẫu giáo lớn mà tôi vẫn chưa nhận được chế độ thai sản vì bị công ty nợ BHXH. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đang bị nợ BHXH 4 năm 2 tháng, nên đề nghị chủ sử dụng lao động giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho chúng tôi”.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan vào cuộc, xử lý để bảo đảm các chế độ an sinh xã hội, công việc, cuộc sống cho anh chị em công nhân Nhà máy”, chị Lê Thị Hoàng Nữ, cựu công nhân Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương kiến nghị.
“Toàn bộ công nhân Nhà máy đều làm việc cực khổ, trong môi trường độc hại. Chúng tôi cũng thông cảm với sự khó khăn hiện nay của đơn vị, nhưng chủ Nhà máy cần phải giải quyết, đóng đầy đủ tiền BHXH cho chúng tôi”, anh Nguyễn Văn Thủ, cựu công nhân Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương nói.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương – chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Thừa Thiên Huế đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất trên 200 tấn rác/ngày đêm.
Đây từng là đơn vị đi tiên phong về xử lý, tái chế rác thải thành phân bón. Từ khi ra đời cho đến khoảng năm 2018, Nhà máy này hoạt động khá hiệu quả, góp phần xử lý rác thải cho TP Huế, giảm tải cho việc chôn lấp rác tại Bãi rác Thuỷ phương, đồng thời tạo việc làm cho hơn 140 công nhân, người lao động.
Tuy nhiên, từ năm 2018 cho đến nay, hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương gặp nhiều khó khăn. Nhà máy đã ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận nguồn rác mới từ Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế.
Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, cố gắng xử lý hoàn tất số rác thải đã tiếp nhận trước đó. Do đó, số giờ làm việc, ngày công của người lao động bị giảm dần, nguồn thu nhập không đảm bảo.
Công nhân Nhà máy cho biết, từ năm 2022, họ còn có việc làm 2 – 3 ngày/tuần, chỉ để vận hành duy nhất 1 lò đốt, lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Sau khi gặp khó khăn, số lượng người lao động tại Nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương giảm mạnh (bị cho thôi việc hoặc tự nghỉ).
Và qua đợt “sa thải” cuối tháng 9/2023, Nhà máy này chỉ còn 12 lao động, bao gồm cả công nhân và các vị trí hành chính, lãnh đạo, trong đó có 10 người tham gia BHXH nhưng đều bị chậm từ tháng 5/2019.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Tiến – Giám đốc BHXH thị xã Hương Thủy cho biết, cơ quan bảo hiểm đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, đồng thời có văn bản đốc thúc Nhà máy hoàn thành việc đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho người lao động.
BHXH thị xã Hương Thuỷ đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nộp tiền phát sinh hàng tháng và xây dựng lộ trình chuyển nộp số tiền còn nợ cho cơ quan BHXH theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Đăng Hải Thiên – Phó Giám đốc BHXH thị xã Hương Thủy, tính đến ngày 30/9/2023, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa còn nợ tiền BHXH, BHTN, BHTNLĐ của 14 người lao động, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, trong đó riêng tiền lãi do chậm đóng là 355 triệu đồng. Tuy nhiên hàng tháng Công ty này vẫn chuyển số tiền 6,3 triệu đồng để nộp BHYT cho người lao động.
Trước đó, giai đoạn trước năm 2016, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Thừa Thiên Huế cũng nợ đóng BHXH của 29 người lao động, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty bị khởi kiện ra toà và buộc phải đóng đủ các khoản tiền bảo hiểm cho người lao động, nhưng hiện nay công ty lại tiếp tục nợ những người lao động còn lại.
Về lý do chậm đóng tiền BHXH cho người lao động, mới đây, chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã có công văn trả lời BHXH thị xã Hương Thuỷ.
Trong văn bản, doanh nghiệp này cho biết đã ngừng tiếp nhận rác và không hoạt động trong suốt nhiều năm, từ Quý 3/2018, nên không có nguồn thu nhập. Những năm còn hoạt động, Công ty mẹ phải bỏ tiền ra bù lỗ cho Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương.
Đặc biệt, Công ty Tâm Sinh Nghĩa chưa được UBND TP Huế thanh toán tiền phí xử lý rác Quý 3/2018 (hơn 2,4 tỷ đồng).
Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan BHXH dời việc thanh toán tiền BHXH của đơn vị cho đến khi UBND TP Huế thanh toán tiền xử lý rác thải.
Lãnh đạo BHXH thị xã Hương Thuỷ cho rằng, nếu doanh nghiệp đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải nộp hồ sơ về cơ quan BHXH để giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNNN từ thời điểm dừng kinh doanh.
Căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan BHXH sẽ dừng tính lãi chậm nộp theo quy định; đồng thời chốt sổ BHXH cho người lao động cho đến thời điểm mà họ đã được đóng, qua đó bảo đảm các quyền lợi cơ bản.
Tuy nhiên đến nay, Nhà máy xử lý rác Thuỷ Phương chưa nộp hồ sơ đăng ký ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên phía doanh nghiệp cũng phải xây dựng lộ trình, sớm hoàn thành việc chuyển nộp số tiền BHXH còn nợ và tiền lãi theo quy định, qua đó bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động”, ông Đặng Văn Tiến nói.
Từ một đơn vị được ngợi ca, đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới về xử lý rác thải không chôn lấp, tái chế sản phẩm có ích cho xã hội (phân bón vi sinh), giờ đây Nhà máy xử lý rác thải Thuỷ Phương lại như “một đứa con ghẻ” bị bỏ rơi không thương tiếc.
Về khu vực nhà máy, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhà xưởng bị bỏ hoang, hư hại; máy móc tân tiến ngừng hoạt động nhiều năm đã có nhiều chi tiết bị han rỉ.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý Nhà nước, công đoàn các cấp tại Thừa Thiên Huế cần phối hợp với các cơ quan đồng cấp tại nơi Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đóng trụ sở (TP Hồ Chí Minh) vào cuộc xử lý, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Mặt khác, UBND TP Huế cũng cần sớm hoàn thành trả nợ cho doanh nghiệp để họ có nguồn kinh phí chăm lo đời sống người lao động.