Về thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn), chúng tôi đến thăm lăng mộ tướng quân Nguyễn Thiện – một vị tướng dưới thời Lê sơ, là thành hoàng có công lập làng từ thế kỷ XV. Thôn Nghĩa Môn xưa kia có tên là trang Cửa Đồi, sau đổi thành Cửa Làng, tên gọi Nghĩa Môn xuất hiện từ thế kỷ XVIII và tồn tại cho đến ngày nay.
Lăng mộ tướng quân Nguyễn Thiện tại thôn Nghĩa Môn, phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được trùng tu, tôn tạo khang trang. Ảnh: Ngọc Huấn
Theo nội dung bản thần tích: Thần Nguyễn Thiện, sinh ngày mồng 9 tháng 2 năm Canh Tý, quê ở trang Nguyên Xá, huyện Thiên Phúc, trấn Nghệ An (nay là xã Nghi Phúc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thần sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, hai chị gái đầu và Thần là thứ ba. Thần có tư chất thông minh, văn võ toàn tài, làm quan đến chức huyện lệnh huyện Yên Mô (thuộc Ninh Bình ngày nay). Vào năm Hồng Đức nguyên niên (tức là vào năm 1470), giặc Chiêm Thành sang quấy rối, vua Lê Thánh tông thân chinh ngự giá đi đánh dẹp. Thần phụng mệnh theo vua, lúc vua bị vây hãm ở thành Đô Bàn, Thần cùng gia binh dũng cảm tiến đánh giải vây và bắt sống được nhiều tướng sĩ của quân Chiêm Thành.
Khi khải hoàn, Thần được nhà vua sắc chỉ phong tặng tước vụ là “Bình Di Đại tướng, Ấn trưởng ngũ đạo quân”. Sau đó lại được vua phái đi đánh quân Bồn Man, trận đó Thần đánh thắng thu được nhiều khí giới, voi, ngựa và tài liệu sổ sách. Nhà vua lại phong cho Thần là “Bình Chương quân quốc trọng sự, Tổng Thái giám, Tổng Lệnh trưởng”. Đồng thời nhà vua còn cho phép Thần chọn đất lập trang ấp. Thần liền chiêu mộ dân binh các dòng họ Nguyễn, họ Vũ, họ Phạm các nơi hội tụ về vùng đất Cửa Đồi, nơi có địa thế long mạch phát về kế thế công hầu để lập trang ấp. Cư dân các nơi theo Thần về đây lập nên trang Cửa Đồi, khai khẩn đất hoang lập nên cánh đồng với 330 trượng màu mỡ, lại được Thần chỉ bảo làm ăn sinh cơ lập nghiệp ngày một đông đúc. Vùng đất đai của trang Cửa Đồi là trang ấp của Thần nên được vua nhà Lê cho miễn thuế sáu năm. Khi tuổi già, Thần xin vua Lê trí sĩ ở tại bản trang Cửa Đồi. Ơn vua, lộc nước ở nơi trang ấp Cửa Đồi được một năm thì Thần chẳng may mắc bệnh và mất vào ngày 11 tháng 9 (chưa xác định rõ năm nào). Dân làng thương tiếc tâu về triều đình, nhà vua cảm thương, cấp tiền cho dân làng tổ chức an táng, cho xây lăng mộ và lập miếu thờ tại bản trang. Dân làng Cửa Đồi tôn Thần là thành hoàng làng (người có công lập làng), hàng năm thờ cúng.
Đến đời vua Lê Chiêu tông, Mạc Đăng Dung đem quân vào đánh Thanh Hóa bắt vua Lê, rồi cho người giết chết. Khi quân nhà Mạc đi qua trang Cửa Làng, thấy thế đất nơi này có thể đề binh chống cự, liền cho quân đốt phá tan hoang, rồi lập đồn trại tại đây, Nhân dân phải phiêu tán khắp nơi. Đến đời vua Lê Thần tông, một lần vua đi kinh lý vùng Thanh Hóa, qua chùa Am Phúc lập hành cung nghỉ lại. Đêm ấy, nhà vua bàng hoàng mộng thấy một vị quan nhân, áo khăn chỉnh tề, đến bên tâu rõ tên tuổi, sự nghiệp của mình cho nhà vua nghe. Khi nhà vua tỉnh mộng hỏi lại dân chúng trong làng, mới biết có Thần âm giúp đỡ. Vua liền ban thưởng tiền bạc và chiêu dụ những người trước đây phiêu tán trở về bản quán sinh cơ lập nghiệp, sau đó trang Cửa Đồi có 43 người trở về lập gia cư trang ấp.
Nhờ sự việc thần báo mộng, khi vua tôi khải hoàn bình an, lại cấp 60 quan tiền cho dân trang, sửa dựng một ngôi miếu bên cạnh chùa Am Phúc. Phong Đương cảnh Thành hoàng Quảng đức linh thông chương hiển, sắc Đô thiên Thái giám thượng đẳng thần đại vương. Chuẩn cho trang Cửa Làng, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa làm dân hộ nhi hương hỏa phụng thờ chính miếu. Các bậc đế vương đời sau khai sáng sự nghiệp cầu đảo ứng nghiệm cũng đều tặng phong mỹ tự.
… Về thôn Nghĩa Môn, khu lăng mộ tướng quân Nguyễn Thiện được bà con Nhân dân trong thôn đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo khang trang, thường xuyên hương khói, tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng đã có công lập thôn làng. Lăng mộ tướng quân Nguyễn Thiện hiện nằm trên thửa đất hình chữ nhật, xung quanh được xây tường gạch bảo vệ. Trong khuôn viên có mộ phần tướng quân và một ban thờ đặt ở phía đầu phần mộ. Mộ phần hình nấm tròn đắp đất, nhô cao chừng 30 – 40cm, trong khuôn viên được trồng một cây si tươi tốt, xung quanh là khu dân cư Nam Cổ Đam đang dần hình thành.
Ông Trịnh Xuân Hải, công chức văn hóa phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn cho biết: Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phường Lam Sơn rất quan tâm, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn. Đối với khu lăng mộ tướng quân Nguyễn Thiện, đây là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ. Thời gian qua, bằng nguồn đóng góp, ủng hộ của Nhân dân thôn Nghĩa Môn, các nguồn xã hội hóa, khu mộ tướng quân được trùng tu, tôn tạo khang trang, ghi nhớ công lao của thành hoàng làng, được Nhân dân hương khói thường xuyên. Hàng năm vào ngày 20-2 âm lịch, phường Lam Sơn tổ chức Lễ hội truyền thống đền Cây Vải. Đền Cây Vải được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Đây là nơi thờ chính ba vị thiên thần là Ngọc Thủy Tinh công chúa, Đào Hoa công chúa, Bạch Hoa công chúa và phối thờ hai vị Phúc thần là tướng quân Nguyễn Thiện (thời Lê sơ), Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ (thế kỷ XVIII). Lễ hội diễn ra thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương về chiêm bái, vãn cảnh.
Ngọc Huấn
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Địa chí Bỉm Sơn” của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Bỉm Sơn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2020).