ANTD.VN – Dự kiến 3 tháng kể từ ngày Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vận hành (17/10) sẽ có khoảng 1.300 mã trái phiếu lên sàn nhưng tới thời điểm này, mới có 117 mã, cách xa tiến độ đề ra.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hết tháng 9 mới có 117 mã trái phiếu đã đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Con số này vẫn còn quá ít so với mục tiêu đặt ra.
Trước đó, thời điểm vận hành Sàn giao dịch, lãnh đạo HNX cho biết dự kiến sẽ đưa khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ phải lên sàn trong 3 tháng tính từ khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào vận hành (từ 19/7/2023).
Như vậy, con số trái phiếu doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn mới chỉ bằng khoảng 9% so với mục tiêu.
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn trầm lắng |
Liên quan đến kết quả giao dịch, tính đến nay, Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu của 11 doanh nghiệp được giao dịch.
Trong đó, dẫn đầu là Công ty CP Sản xuất và kinh doanh Vinfast có 6.375 tỷ đồng được giao dịch, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 5882 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 3.803 tỷ đồng, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living 2.624 tỷ đồng.
Ngoài ra là Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty CP Vinhomes, Chứng khoán Kỹ thương, Công ty CP Tập đoàn Masan…
Theo lãnh đạo HNX, các doanh nghiệp phát hành cần tăng tiến độ thực hiện niêm yết trái phiếu trên Hệ thống, bởi nếu chậm sẽ không được giao dịch ngoài sàn (hiện việc giao dịch chủ yếu dựa trên thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư).
Để kịp tiến độ, điều này phụ thuộc rất lớn về phía tổ chức phát hành. Đơn vị lưu ký, HNX có trách nhiệm trong việc đáp ứng nguồn lực để xử lý các hồ sơ niêm yết đảm bảo nhanh chóng và đúng quy định.
Nếu tổ chức phát hành không khẩn trương thực hiện đăng ký, dễ dẫn tới cảnh hồ sơ dồn về thời điểm gần cuối lớn, gây áp lực lên quá trình xử lý.
Theo quy định tại Khoản 3, điều 18, nghị định số 156 cũng đã quy định rõ về chế tài xử phạt với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết không đúng thời hạn.
Trong đó, mức phạt tiền có thể lên tới 400 triệu đồng đối với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.