Đức nêu điều kiện chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine, Các lực lượng Ukraine thừa nhận phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, Nga theo dõi hoạt động quân sự của NATO ở châu Âu… là thông tin mới nhất liên quan xung đột Nga-Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine: Nga lên kế hoạch ứng phó NATO. (Nguồn: AP) |
The New York Times dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann và cũng là nhà vận động hành lang cho doanh nghiệp quốc phòng nước này, cho hay, Berlin có thể chuyển tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine nếu Washington cung cấp tên lửa chiến thuật-chiến dịch ATACMS cho Kiev.
Theo ông Zimmermann, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bị áp lực, có khả năng ông muốn chấm dứt cuộc thảo luận về việc cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev. Ông nêu điều kiện nếu Washington chuyển giao ATACMS thì Đức có thể đồng ý chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine.
Theo bài báo trên, chính phủ Đức lo ngại Liên bang Nga sẽ có thể phát triển các hệ thống chống lại tên lửa Taurus trong trường hợp Nga thu được các bộ phận của loại tên lửa này trên chiến trường.
Tờ Wall Street Journal đưa tin Đức đang hoãn kế hoạch chuyển tên lửa Taurus có độ chính xác cao cho Ukraine do lo ngại Nga. Bài báo cho biết: “Chính phủ Đức nhìn chung đã chấp thuận việc chuyển giao Taurus, song Thủ tướng Olaf Scholz đã ngừng kế hoạch này do lo ngại người Đức sẽ phải tới Ukraine để giúp bảo trì và vận hành loại vũ khí tinh vi này”.
Theo nguồn tin của tờ báo, Thủ tướng Scholz tin rằng, sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Đức trong khu vực chiến đấu có thể kéo Berlin lún sâu hơn vào xung đột, dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.
* Trong khi đó, ngày 6/10, Đại tá Yuri Kovalenko, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc nhiệm số 3 thuộc Bộ Tư lệnh chiến dịch miền Nam của Lục quân Ukraine đã thừa nhận “các lực lượng Ukraine phụ thuộc 100% vào Mỹ”.
Theo Đại tá Kovalenko, quân đội Ukraine đã yêu cầu Mỹ tiếp tục chuyển giao vũ khí và thậm chí còn mở rộng việc cung cấp cho Kiev.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin lại nhìn nhận rằng, người dân Ukaine đã tỏ ra mệt mỏi với cuộc xung đột hiện nay.
Trước đó, ngày 5/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gắn việc giảm viện trợ của Washington với “cơn bão chính trị” đang dâng lên ở Mỹ và hối thúc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hành động một cách độc lập trong các tình huống này.
Tuy nhiên, đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell lại cho rằng, EU sẽ không thể bù đắp được khoản viện trợ đã bị Mỹ đình chỉ.
Truyền thông phương Tây ngày càng đưa tin thường xuyên hơn về việc các đồng minh của Kiev đang ngày càng mệt mỏi với Ukraine và nhất là với nhà lãnh đạo Zelensky.
Ngày 4/10, tờ Le Monde của Pháp lưu ý rằng “trò ma thuật của ông Zelensky” đang nhạt dần khi những ngôn từ của nhà lãnh đạo này như “nước đổ lá khoai” hoặc gây khó chịu cho các đối tác đang mệt mỏi vì phải nghe rằng họ “vẫn chưa cung cấp đủ”.
Trong khi đó, tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rob Bauer đã thừa nhận rằng kho vũ khí dành cho Ukraine đang cạn kiệt.
* Về phía Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cho biết, nước này đang theo dõi tình hình liên quan tới những hoạt động quân sự của NATO ở châu Âu để lên kế hoạch ứng phó.
Bà Zakharova nhấn mạnh Moscow đang theo dõi “việc NATO tăng cường binh sĩ và hoạt động quân sự ở sườn phía Đông của liên minh, việc xây dựng các tuyến đường mới để triển khai lực lượng và khí tài của Mỹ tại châu Âu, cũng như việc thiết lập các cơ cấu chỉ huy mới ở sườn phía Đông của NATO”.
Quan chức Nga cho rằng, việc triển khai quân này thực chất là sự hỗ trợ từ trên không của phương Tây cho lực lượng ở miền Đông Ba Lan, giáp giới với Nhà nước Liên minh Nga-Belarus.