Theo tạp chí Science, giả thuyết lớn nhất là có một “Vành đai Kuiper thứ hai” đang ẩn nấp bên ngoài vành đai đã biết, với khối lượng tương đương.
Điều này có nghĩa ảnh hưởng của Mặt trời đã vươn xa vào không gian hơn chúng ta tưởng.
Bên ngoài sao Hải Vương cách Mặt trời 30 AU (đơn vị thiên văn, 1 AU bằng khoảng cách Mặt trời – Trái đất), ngôi sao mẹ của chúng ta còn vươn “vòi bạch tuộc” thêm 100 đơn vị thiên văn nữa, níu giữ các vật thể nhỏ bé khác quay quanh mình và có thể cả “hành tinh thứ 9”.
Bên ngoài rìa của hệ sao còn có Đám mây Oort ngập đầy các sao chổi và tiểu hành tinh, bị níu giữ một cách lỏng lẻo, trải dài đến tận vùng không gian cách Mặt trời 1.000 AU.
Vành đai bí ẩn này có thể nằm đâu đó giữa Vành đai Kuiper và Đám mây Oort. Dấu vết của nó được hé lộ thông qua 12 vật thể có khối lượng lớn tiềm năng cách Mặt trời tận 60 AU mà dữ liệu từ tàu New Horizons của NASA đã ghi lại.
Tàu New Horizons – với sứ mệnh chính ban đầu là nghiên cứu sao Diêm Vương – hiện đã ở cách sao mẹ tận 57 AU.
Trình bày tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và hành tinh lần thứ 54, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Wesley Fraser từ Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Canada cho biết họ không ngạc nhiên với phát hiện trên.
Họ cho biết Hệ Mặt trời vẫn là rất nhỏ bé so với các hệ sao đã biết – ít nhất là đối với các vật thể và cụm vật thể mà chúng ta đã biết.
(Nguồn: Báo Người Lao Động)